Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Các loài cá sử dụng chiến thuật nào để nuôi con?


Chúng ta đều biết hầu hết loài thú, kể cả con người, đều đẻ con (ngoại trừ thú mỏ vịt và một số loài nhím đẻ trứng) và nuôi con bằng sữa nhưng bạn có biết rằng cá cũng biết chăm sóc con bằng những cách vô cùng độc đáo không? Trên thế giới hiện này, tính cả đại dương và đất liền có khoảng hơn 22.000 loài cá lớn nhỏ và mỗi loài lại có cách thức sinh sản và nuôi con riêng nhưng nhìn chung thì chúng đều sử dụng một trong những “chiến thuật” sau đây.
Chiến thuật 1: “Ném bom rải thảm”
Cá chép con 1 tuần tuổi nhỏ như hạt cát.
Đây là nhóm các loài cá không biết nuôi con vì thế cách tốt nhất chúng có thể làm để đảm bảo cho sự tồn tại và trưởng thành của cá con là đẻ thật nhiều và cực nhiều trứng trên một diện tích rộng giống như máy bay B-52 ném bom rải thảm vậy. Trứng cá sau khi đẻ xong sẽ chìm xuống đáy, bám trên ngọn cây thủy sinh hoặc cuốn theo dòng nước đi rất xa. Hậu quả là chỉ chưa đến 2% cá con sống sót được đến tuổi trưởng thành (>50% trứng bị ăn mất trước khi kịp nở) vì hành động “ném con” đi một cách không thương tiếc của cá bố mẹ. Một ví dụ điển hình của chiến thuật “ném bom rải thảm” là cá chép (Cyprinus carpio). Loài cá này có khả năng sản xuất trên 70.000 trứng mỗi lần đẻ, còn đông hơn cả quân Nguyên!
Chiến Thuật 2: “Những đứa trẻ tự lập”
Tương tự như chiến thuật thứ nhất, cá bố mẹ không đóng vai trò gì trong việc nuôi con nhưng chiến thuật này tỏ ra hiệu quả hơn vì chú trọng đến chất lượng thay vì số lượng. Đại diện chính bao gồm các loài cá nhỏ bé thường được nuôi làm cảnh thuộc họ Poecilidae và cá vây sụn như cá mập, cá đuối (không có cá heo vì chúng là thú bạn ạ). Đặc điểm kì là nhất của chiến thuật này là cá mẹ đẻ trực tiếp ra con với số lượng nhỏ (<100) nhưng kích thước khá lớn. Những “đứa trẻ lớn” này tỏ ra rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ít khi bị ăn thịt, và cạnh tranh tốt hơn cá con của những loài đẻ trứng. Đúng chất lượng hơn số lượng.
Chiến thuật 3: “Chim tu hú”
Cá trê đốm Tanganika còn được gọi là cá tu hú.
Bạn từng nghe chuyện chim tu hú tráo trứng để bắt các loài chim khác nuôi con cho mình chưa? Bạn có tin là cá cũng làm thế không? Hãy làm quen với cá trê đốm hồ Tanganika (Synodontis multipunctatus) với chiêu đột kích các tổ trứng của cá rô (Cichlidae) ăn hết trứng và đẻ trứng của chúng vào thay thế. Chiến thuật này vô cùng hiệu quả bởi hình dạng, màu sắc, thậm chí là số lượng trứng cũng khá giống nhau khiến bố mẹ cá rô không thể nhận ra mình đang chăm bẵm con kẻ khác. Khi được hơn 1 tháng tuổi, đàn cá trên con bắt đầu hiện rõ hình dạng đặc trưng của bố mẹ chúng mà chuồn hết khỏi tổ trước khi bị lộ tẩy.
Chiến thuật 4: “Cha mẹ là lá chắn”
Cá chọi (Betta splendens) là những ông bố mẫu mực nuôi con một mình trong tổ xây bằng nước bọt của chúng.
Cá Cichlid Mbuna hồ Malawi nuôi con bằng miệng suốt 2 tháng trước khi cá con đủ lớn để sống tự lập.
Nghe như lời bài hát ấy nhỉ? Mà nói vậy không sai đâu vì một số loài cá lại bảo vệ chăm sóc con rất chu đáo bằng những cách rất riêng của chúng.
Cá đĩa (Symphysondon discus) nuôi con bằng chất dịch đặc biệt màu trắng như sữa tiết ra trên thân cá bố mẹ.
Chiến thuật 5: “Hi sinh đời bố, củng cố đời con”
Cá hồi bơi ngược dòng vào sông.
Loài cá hi sinh vì con cái nhiều nhất có lẽ chính là cá hồi. Sau 3-4 năm sinh sống ngoài biển, cá hồi liều mình vượt sông bơi ngược dòng về nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng. Sau chuyến đi dài nguy hiểm,cá hồi sẽ kiệt sức chết và phần thưởng duy nhất dành cho chúng là một vùng nước sạch sẽ yên bình cho thế hế sau được sinh ra. Chưa hết, xác cá bố mẹ lại trở thành chất dinh dưỡng nuôi sống vô số sinh vật phù làm thức ăn cho cá con sau này.
Biohazard

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét