Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Đến Huế xem cụ già làm hướng dẫn viên du lịch cho Tây

Ở Huế, du khách ghé điểm du lich cầu ngói Thanh Toàn thường bất ngờ khi gặp bà cụ nói tiếng Anh lưu loát. Đặc biệt cụ có biệt tài chọc cười khách du lich bằng màn bói tình duyên hóm hỉnh.

Cụ là Trần Thị Diều, 78 tuổi, người làng cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên -Huế). Hơn 30 năm nay, cụ Diều gắn mình với thú vui làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí cho khách nước ngoài.
Một ngày của cụ Diều bắt đầu từ 7h sáng đến 17h với việc ra ngồi ở cầu ngói Thanh Toàn. Nay lưng còng, sức yếu nhưng ngày ngày cụ đều ra cầu hóng gió và nói chuyện với khách nước ngoài. Có hôm mưa gió, cầu ngói không có một bóng khách, nhưng cụ vẫn ra cho "đỡ nhớ".
Cụ Trần Thị Diều, người hướng dẫn viên miễn phí nói ở cầu ngói Thanh Toàn. Ảnh: Văn Nguyễn.
Sáng thứ hai, cầu ngói Thanh Toàn đón lượt khách Tây đầu tiên. Khi khách đang loay hoay chụp ảnh và chưa biết hỏi ai về địa danh mình vừa đặt chân thì một bà cụ cầm chiếc nón lá từ trong cầu ngói bước ra bắt chuyện bằng tiếng Anh: “Hello! Welcome to Thanh Toan tile bridge”.
Nhóm khách chạy đến chỗ cụ Diều và được nghe giới thiệu cầu ngói Thanh Toàn làm từ năm nào, kiến trúc ra sao… Sau một hồi đi lại mỏi chân, cụ Diều dẫn khách về hóng gió ngay trên cầu ngói. Rồi cụ đưa hai tay áp lên má nói với khách Tây “Cầu ngói nơi đây rất mát, có thể ngồi nghỉ và ngủ một giấc ngon lành…”. Nhiều khách du lịch Việt Nam nghe cụ Diều nói tiếng Anh cứ ngơ ngẩn đứng nghe.
Anh Thân Ngọc Nghĩa, một hướng dẫn viên du lịch tự do thường dẫn khách đến cầu ngói Thanh Toàn, cho biết: “Nhờ cụ Diều mà cầu ngói như có thêm sản phẩm du lịch. Có cụ làm trò, xem bói tình duyên nên nhiều khách khi nghe giới thiệu cứ nằng nặc đòi đến gặp cụ, gặp rồi ai cũng thấy vui”.
Nói về vốn tiếng Anh của mình, cụ Diều cho biết, trước giải phóng từng đi làm giặt ủi trong “sở Mỹ” ở Phú Bài (nay là phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy). Vì tò mò cứ mỗi lần ông đại tá người Mỹ sai làm gì cụ đều hỏi cặn kẽ nghĩa của các từ và bắt chước nói. Nhờ thông minh, chẳng mấy chốc cụ Diều có thể nói tiếng Anh lưu loát.
Tuy nhiên, cụ Diều thú nhận vốn tiếng Anh giao tiếp với người Tây chỉ là tiếng “bồi”, chứ viết ra giấy thì cụ không biết đến một chữ bẻ đôi, cũng không biết tất cả câu mình nói có đúng ngữ pháp hay không. “Điều quan trọng là mình nói sao cho Tây hiểu”, cụ thật thà.
Du khách rất thích thú khi được chụp ảnh chung với bà cụ hóm hỉnh. Ảnh: Văn Nguyễn.
Mỗi dịp Festival Huế hay vào mùa du lịch, cầu ngói Thanh Toàn lại tấp nập khách. Khi đó cụ Diều lại tất bật với việc giới thiệu cho du khách về cây cầu cổ của quê hương. Nhiều người ấn tượng với cách nói chuyện hóm hỉnh của bà cụ đã lân la làm quen và vì thế cụ Diều có rất nhiều bạn Tây.
Ngồi trên thành cầu để những cơn gió đồng nội thổi bay mái tóc bạc phơ, cụ Diều tâm sự nhiều khi cũng thấy vui với “nghề” hướng dẫn viên du lịch miễn phí của mình. “Lúc đầu mới tập tành dẫn khách, tôi cũng thấy ngại nhưng làm một vài lần lại thích. Mình không được học qua trường lớp nhưng khách Tây lại thích thú khi thấy những người dân bản địa chất chất, mộc mạc và có thể giới thiệu về danh lam thắng cảnh của quê hương”, cụ nói.
Điều cụ trăn trở là khi nhiều vùng đang phát triển du lịch sinh thái, đưa người dân vào làm du lịch nhưng vốn ngoại ngữ, dù là nói tiếng bồi, cũng không biết. Người nông dân không biết ngoại ngữ thì làm du lịch sẽ rất khó. Nghĩ thế nên khi rảnh rỗi, cụ Diều thường dạy lại những câu tiếng Anh giao tiếp thông thường cho người bán quán nước hay các chị gánh hàng rong chuyên bán đặc sản Huế…
“Lúc đầu học cũng thấy khó, nhưng nhờ cụ Diều tận tình chỉ giúp và ngày ngày tiếp xúc với khách Tây nên giờ tôi có thể chỉ đường hay mời khách nước ngoài vào quán nghỉ chân uống nước. Khách Tây thấy mình nói được tiếng Anh cũng hay ghé quán hơn”, bà Nguyễn Thị Kình, bán nước ngay cạnh cầu ngói Thanh Toàn, cho biết.
Cụ Diều trổ tài xem bói tính duyên. Ảnh: Văn Nguyễn
Cũng nhờ tài nói tiếng Anh mà cụ Diều có dịp trổ thêm tài bói tình duyên cho các bạn trẻ. Anna 17 tuổi, quốc tịch Anh cười đỏ mặt khi được cụ Diều xem tính duyên. Cô gái tâm sự: “Bà ấy nói tôi đang yêu, người yêu tôi thật đẹp trai và chúng tôi sẽ tiến tới hôn nhân, có 2 con trai và một con gái”. Thế bạn có tin không, nghe khách hỏi, cô gái cười: “Tin chứ. Vì thực tình là tôi đang yêu và bạn trai tôi là người đẹp trai nhất trong lớp”.
Còn cụ Diều thì giải thích: “Bà chỉ nói làm sao cho khách họ vui, thấy thoải mái và tin vào tương lai”. Xem cho khách vui, ai có lòng cho bao nhiêu tiền đều được cụ đáp lại bằng câu tiếng Anh rất lịch sự: “Thank you very much!”. Cũng chính nhờ vậy mà cụ Diều ngồi xem bói ngay trên di tích văn hóa, lịch sử mà không bị chính quyền địa phương cấm.
Trong những câu chuyện xem bói tình duyên cho khách Tây và khách Việt, cụ Diều thường nhắc nhở các cô gái phải biết giữ “cái ngàn vàng”. Khi đó, đôi mắt bà cụ lại nhìn xa xăm như che giấu một nỗi niềm.
Cụ Diều tâm sự đời cụ nhiều trắc trở. Lỡ phải lòng một ông đại tá của Chính quyền Sài Gòn rồi có cô con gái nhưng khi đất nước hòa bình, cụ đành chia tay “để người ta về vui với gia đình bà vợ trước trong TP HCM”. Lớn lên, cô con gái cũng lỡ bước, để lại cho cụ đứa cháu ngoại rồi đi lấy chồng, biền biệt không về.
“Vì thế nên bà phải căn dặn các bạn trẻ, sống buông thả thời con gái dễ ân hận cả đời!”, cụ Diều chia sẻ.
Văn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét