Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Du lịch: Giảm, nhưng không trở thành giá rẻ

Tuyên bố giảm giá tour khiến nhiều người e ngại ngành du lịch Việt Nam sẽ biến thành ngành dịch vụ giá rẻ.
Andrew (hiện quản lý một resort tại Phukhet, Thái Lan) nhớ lại cách đây 12 năm khi ông còn là giám đốc một khách sạn lớn tại Hà Nội, trong cơn khủng hoảng tài chính châu Á, ban giám đốc và nhân viên đã phải nỗ lực hết mình để tăng doanh thu. Khi được hỏi nếu bây giờ vẫn ở Hà Nội, ông sẽ làm gì, ông trả lời: “Dịch vụ là ngành kinh doanh mang tính bền vững, không phải là sản phẩm tiêu dùng nhanh, nên càng không dễ đưa ra những quyết sách vội vàng”.
Tuyên bố hạ giá tour của Việt Nam không mấy gây sốc cho du khách, nhưng đủ gây sốc cho các nhà cung cấp dịch vụ. Giá rẻ sẽ hấp dẫn du khách hơn, tạo thêm cơ hội cho những nguồn khách chưa đến Việt Nam. Qua đó Việt Nam có nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, giảm giá như thế nào còn là vấn đề cần được xem xét kỹ.
Giảm giá theo tiêu chí nào?
Đó là câu hỏi của chị Nguyễn Nguyệt, giám đốc điều hành một hãng du lịch tại Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề. Theo chị, nói giảm giá thì Việt Nam chưa thể giảm được như Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc, những thị trường có phần hấp dẫn hơn đối với khách phương Tây. “Giảm giá là bài toán chưa có đáp số vì chưa có sự đồng nhất của các nhà cung cấp dịch vụ”, chị nhận xét.
Tại các thị trường phát triển khác trong khu vực, thời gian khách lưu trú lâu hơn so với ở Việt Nam do có nhiều điểm tham quan và dịch vụ đồng nhất tại các điểm đến. Vì vậy, việc giảm giá của tour 20 ngày trở lên tại các thị trường đó sẽ hấp dẫn hơn so với tour 7-10 ngày tại Việt Nam. Tour càng ngắn, chi phí càng cao do giá ve may bay chiếm một phần lớn trong giá thành.
Để hạ được giá tour tính theo ngày khách lưu trú tại điểm đến, các nhà cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, hãng lữ hành phải vật lộn tính toán. Nhưng so với giá tour trọn gói bao gồm cả vé máy bay số điểm phần trăm giảm được không phải là con số thuyết phục.
Ngay sau tuyên bố giảm giá dịch vụ từ 30-50%, nhiều khách sạn đã cam kết tham gia. Nhưng nhiều nhà cung cấp dịch vụ vẫn lưỡng lự về chương trình “Ấn tượng Việt Nam” với e ngại thu không bù chi. Mối lo ngại lớn hơn là sợ giảm chất lượng khiến dịch vụ trở thành giá rẻ. Việc không đồng lòng tham gia sẽ phần nào làm cho bức tranh du lịch Việt Nam khó hơn trong việc tạo ra ấn tượng cho du khách quốc tế.
Giảm giá nhưng không trở thành giá rẻ
Trở lại với câu chuyện cùng Andrew, ông cho biết, trong thời điểm khó khăn của 12 năm trước, đích thân ông phải thức đêm đi chợ đầu mối bán hoa tại Hà Nội để so sánh giá với nhà cung cấp hiện thời của khách sạn do ông quản lý. Một giải pháp được đưa ra là lấy hoa trực tiếp từ chợ đầu mối Quảng An thay vì tiếp tục sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp cũ. Mức chênh lệnh giá từ giải pháp này ít nhất vẫn đảm bảo hoa tươi cho mỗi phòng và bàn ăn. Nhân viên làm việc vất vả hơn, nhưng vẫn có việc làm và không phải nghỉ việc vì vắng khách. “Khi đó, mỗi bộ phận phải đưa ra những giải pháp nhằm cắt giảm chi phí nhưng vẫn duy trì chất lượng phục vụ. Một bài toán khó, nhưng chúng tôi có đáp số chung”, ông nói.
Chị Nguyệt thì lại trăn trở với mong muốn các nhà hàng sẽ giảm giá thực đơn cho khách. “Thực đơn hiện tại mỗi bữa chính mà công ty mình đặt là 10 USD, nếu giảm được 3 USD cho mỗi ngày là giải được bài toán thiết kế tour hợp lý”, chị nói và khẳng định họ, chủ các nhà hàng hoàn toàn có thể làm được việc này.
Nếu đàm phán thành công, đối với tour 5 ngày, chị Nguyệt sẽ vẫn duy trì được chất lượng khách sạn mà công ty thường đặt cho khách. Với các tour dài ngày hơn, đoàn đông khách hơn, có thể thêm được 1 chặng bay ngắn nội địa cho khách.
Đừng bỏ quên khách Việt
Trong tình trạng suy giảm kinh tế, nguồn khách truyền thống của các hãng lữ hành không còn duy trì được như trước. Bản thân các hãng lữ hành lớn trên thế giới cũng bị sụt giảm số lượng khách hàng họ đưa vào cho thị trường Việt Nam. Mùa hè 2009 được dự báo sẽ rất “nguội” cho du lịch do giảm cầu và nguồn khách đặt trước của các hãng nước ngoài cũng cạn dần theo cơn suy giảm của kinh tế toàn cầu.
Nhưng đó mới chỉ là tính toán của các công ty du lịch lớn có nguồn khách cố định từ các hãng lữ hành lớn ở nước ngoài. Việc cắt giảm tài chính toàn cầu sẽ tạo cơ hội cho những người có thời gian dư thừa trong giai đoạn này được du lịch, dù ngân sách mỗi chuyến đi rất eo hẹp.Nên chăng, cần có những tour thích hợp hơn đối với đối tượng khách nhỏ lẻ này?
Năm 2009, du lịch Việt Nam vẫn đặt mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế như lời Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Trần Chiến Thắng, nói trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ. Năm 2008, ngành đặt mục tiêu thu hút 4,5-5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng con số đạt được là khoảng 4,3 triệu lượt.
Theo ông, du lịch Việt Nam nên tăng cường quảng bá trong khu vực Ðông Nam Á để có thể thu hút lượng khách tương đối lớn, bù đắp sự sụt giảm từ những thị trường xa hơn. Ngay cả tại thị trường nội địa, cũng cần có những tour “ấn tượng” với chính người Việt để không bỏ sót bất cứ đối tượng khách nào.
Đến giờ này chị Nguyệt vẫn tiếc cơ hội làm ăn trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua, khi mà công ty của chị chỉ đặt một số lượng tương đối vé máy bay cho khách đi du xuân tại các nước Đông Nam Á. Trong khi trên thực tế, số khách đến đăng ký tour Tết tại công ty chị không giảm nhiều so với Tết trước.
“Người Việt mình có thể bỏ ra hàng triệu đồng để mua đào, quất chơi xuân thì giá tour trọn gói vài triệu đi Thái Lan, Malaysia hay Hồng Kông, Singapore xem ra không phải là vấn đề lớn”, chị nói và nhấn mạnh, “kích cầu du lịch nếu không triệt để sẽ bị các nước khác “kích” hết dân mình sang”
nhipcaudautu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét