Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Những chuyến trực thăng cấp cứu người bị nạn.


16h30 ngày 10/8, tổ bay đang trực thì nhận được lệnh bay cấp cứu cô giáo bị xe chở đá cán gẫy chân, với bãi đỗ là sân vận động TP Hà Tĩnh. Nửa tiếng sau, chiếc trực thăng cất cánh, đón bệnh nhân về Bệnh viện 108 (Hà Nội).

Bốn ngày sau khi thực hiện chuyến bay cấp cứu cô giáo Trần Thị Thảo (Hà Tĩnh) bị xe chở đá cán gẫy chân, song thượng tá phi công cấp một Phạm Văn Thường vẫn xúc động khi nhớ lại chuyến bay này. Anh kể, khoảng 16h30 ngày 10/8, tổ bay đang trực tại sân bay ở khu vực Nam Trung Bộ thì nhận được lệnh bay cấp cứu y tế tại Hà Tĩnh, với bãi đỗ là sân vận động thành phố. Sau khi khẩn trương làm công tác chuẩn bị, hiệp đồng, 17h05 phút, tổ bay cất cánh.
"Sau khi bay qua sân vận động thị xã Hà Tĩnh, chúng tôi thấy lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự Hà Tĩnh làm nhiệm vụ bảo đảm bãi đỗ, phất cờ báo hạ cánh. Tiếp nhận bệnh nhân xong, 17h15, trực thăng cất cánh hướng về Hà Nội và hạ cánh an toàn tại sân bay Gia Lâm. Ngay sau đó, bệnh nhân được vận chuyển bằng ôtô về Bệnh viện 108", thượng tá Thường kể.
Máy bay cứu người bị nạn. Ảnh: QĐND.
Trước chuyến bay cấp cứu nạn nhân Thảo, 8 tháng đầu năm, Công ty Trực thăng miền Bắc đã bay cấp cứu ca sản phụ sinh thiếu tháng tại Lai Châu (tháng 1) và bệnh nhân người Pháp bị gẫy chân khi đang du lịch ở Lào Cai (tháng 4).
Với đại tá Trần Xuân Dinh, Giám đốc Công ty, chuyến bay cấp cứu y tế cho một nữ kỹ sư người Nhật Bản tháng 8/2011 tại Sơn La có lẽ là kỷ niệm khó quên đối với anh. Nạn nhân bị gẫy xương cổ, chấn thương nội tạng vì ngã khi leo núi. Sau khi nhận được đề nghị cấp cứu từ Việt Nam Airlines, công ty quyết định sử dụng trực thăng hiện đại là EC 155-B1, với tổ bay giàu kinh nghiệm.
Thời điểm đó, trời nhiều mây, máy bay xóc lắc do mật độ không khí không đều; yêu cầu về thời gian vận chuyển nạn nhân từ Sơn La về Nội Bài phải nhanh chóng, để bệnh nhân tiếp tục được chuyển ra nước ngoài theo đường hàng không. Những yêu cầu đó thực sự là thử thách lớn đối với tổ bay. Song, nhờ việc chuẩn bị chu đáo nên cất cánh từ Gia Lâm lúc 12h, đến 15h chiều trực thăng đã đưa bệnh nhân về đến sân bay Nội Bài.
"Trong những năm tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện tốt loại hình bay này. Cấp cứu y tế bằng trực thăng không chỉ thuần túy là hoạt động kinh doanh, mà còn vì con người - đó là điều những người lính trên mặt trận kinh tế luôn tâm niệm", đại tá Dinh bộc bạch.
Huấn luyện cấp cứu y tế, hạ cánh trên nóc nhà Bệnh viện 108. Ảnh: QĐND.
Bay cấp cứu y tế là nhiệm vụ được hình thành từ năm 1989 khi công ty thành lập, nhằm đáp ứng nhiệm vụ công ích được giao và các dịch vụ cốt lõi (bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí; tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh...). Gần đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ bay cấp cứu y tế của các doanh nghiệp và cá nhân tăng lên. Năm 2011, công ty thực hiện 3 chuyến bay cấp cứu y tế thành công.
Đại tá Trần Xuân Dinh cho biết, cấp cứu y tế bằng hàng không nói chung, bằng trực thăng nói riêng có ưu thế lớn về tính khẩn trương và khắc phục tốt nhất trở ngại về địa hình. Đây là loại hình dịch vụ tương đối phổ biến ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, vài năm gần đây, người có nhu cầu cấp cứu y tế bằng trực thăng không chỉ là người nước ngoài mà còn có nhiều người Việt Nam, thuộc mọi thành phần xã hội. Người được cấp cứu bằng trực thăng chủ yếu bị nạn do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và một phần nhỏ do bệnh hiểm nghèo.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công ty đẩy mạnh công tác đầu tư cả về trang thiết bị, máy bay, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng hàng không. Trong đó, đặc biệt coi trọng huấn luyện phi công bay cấp cứu y tế trong các điều kiện khí tượng giản đơn và phức tạp ban ngày và ban đêm. Được lựa chọn bay là những phi công có kỹ năng bay điêu luyện, khả năng tính toán chính xác, chuẩn mực, bởi yêu cầu bay cấp cứu y tế phải đạt được các yếu tố "khẩn trương nhất, nhanh nhất, an toàn nhất"; việc bay cấp cứu y tế chủ yếu cất, hạ cánh ở các bãi ngoài tự chọn, mang tính ứng dụng, nên đòi hỏi cao ở trình độ kỹ thuật lái của phi công, tổ bay.
Quân đội Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét