PV: Các tỉnh vùng Đông Bắc có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo. Tuy nhiên, theo đánh giá của các bộ, ngành Trung ương thì các tỉnh vẫn chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh này phục vụ phát triển du lịch. Vậy, xin đồng chí cho biết, việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc có ý nghĩa như thế nào?
Đồng chí Vũ Thị Bích Việt: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc được tổ chức 2 năm 1 lần và năm nay được tổ chức tại Tuyên Quang. Đây là niềm vui, niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang và các tỉnh vùng Đông Bắc là cái nôi của cách mạng Việt Nam, vùng đất này ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng nước ta. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc, Cụ Hồ sáng soi/Ở đâu u ám giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. Năm 2012 là năm có nhiều ý nghĩa với nhân dân các dân tộc vùng Đông Bắc với nhiều di tích lịch sử được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt như Khu Di tích lịch sử Tân Trào (Sơn Dương, Yên Sơn), Khu ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Khu Di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng).
Vùng Đông Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em tạo nên sự độc đáo, phong phú về văn hóa truyền thống. Các dân tộc vùng Đông Bắc còn lưu giữ được kho tàng văn hóa truyền thống, hấp dẫn lòng người. Người Tày có hát Then, chơi đàn tính, phong - slư, quan làng, hát cọi; người Dao có lễ cấp sắc, hát Páo dung; người Mông có múa khèn, người Sán Dìu có hát Soọng cô, người Cao Lan có hát Sình Ca, múa Chim gâu... Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát huy giá trị như lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội của dân tộc Cao Lan, lễ hội gầu tào của dân tộc Mông, lễ hội Động Tiên (Hàm Yên-Tuyên Quang), lễ hội Đền Hạ (TP Tuyên Quang)... góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Trong dòng chảy văn hóa ấy, hát Then và chơi đàn tính thực sự là “báu vật” của dân tộc Tày. Người Tày sinh sống ở tất cả các tỉnh vùng Đông Bắc và hát Then hiện đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổ chức Ngày hội nhằm tôn vinh giá trị hát Then và cây đàn tính. Đây là điều kiện, là cơ hội để Tuyên Quang cùng các tỉnh vùng Đông Bắc đề nghị Chính phủ công nhận hát Then trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lập hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Then là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Pa nô, áp phích trên các tuyến đường ở thành phố Tuyên Quang tuyên truyền cho Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc. Ảnh: Quang Huy
Vùng Đông Bắc còn nổi tiếng với các danh thắng kỳ thú. Đó là Công viên địa chất toàn cầu di sản thiên nhiên thế giới-Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), kỳ quan nhiên nhiên của thế giới vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), danh thắng Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên). Ở Tuyên Quang có nhiều danh thắng và điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn như Động Tiên (Hàm Yên), khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Nà Hang) và vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được ví như “Hạ Long cạn”, Khu du lich nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn - Tuyên Quang)... đã tạo nên một “Đông Bắc - Miền đất thiêng liêng tươi đẹp”.
Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, các tỉnh vùng Đông Bắc, trong đó có Tuyên Quang chưa khai thác và phát huy giá trị những tiềm năng quý giá đó để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Do đó, việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để giới thiệu với bạn bè cả nước và thế giới về tiềm năng văn hóa, thể thao và du lịch, giá trị di sản văn hóa các vùng, miền của khu vực trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, bảo đảm để du lịch thực sự là một trong khâu đột phá trong phát triển kinh tế của Tuyên Quang nói riêng, các tỉnh vùng Đông Bắc nói chung. Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các tỉnh vùng Đông Bắc gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, giới thiệu, phát huy những giá trị, những nét văn hóa, thể thao và du lịch truyền thống tốt đẹp, đặc sắc của các dân tộc trong vùng Đông Bắc. Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch là dịp để giới thiệu, tôn vinh và khẳng định truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương cách mạng, vị thế của Tuyên Quang - Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.
P.V: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII là một sự kiện văn hóa có quy mô lớn với nhiều hoạt động phong phú. Để Ngày hội thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng với bạn bè và du khách gần xa về một Tuyên Quang hiếu khách, chu đáo, xin đồng chí cho biết tỉnh ta đã chuẩn bị cho sự kiện này như thế nào?
Nhiều ngày nay người dân thành phố Tuyên Quang đã tổ chức diễu hành với những mô hình dân gian đặc sắc và hoành tráng. Ảnh: Thu Trang
Đồng chí Vũ Thị Bích Việt: Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã đưa việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch gắn với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII vào chương trình công tác năm 2012. Và hết quý II/2012, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Ban Tổ chức Ngày hội đã thành lập 4 tiểu ban giúp việc, bảo đảm chuẩn bị cho Ngày hội chu đáo, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII là một sự kiện văn hóa quy mô lớn với nhiều nội dung hoạt động, các thành viên Ban Tổ chức Ngày hội đã có nhiều cố gắng, phối hợp nhịp nhàng thực hiện từng phần việc cụ thể, tạo điều kiện tốt cho Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ đơn vị đăng cai tổ chức. Tuyên Quang đã sẵn sàng cho Ngày hội. Phố phường rực rỡ cờ hoa, băng zôn khẩu hiệu, người dân hồ hởi đón chào Ngày hội trong niềm vui phơi phới. Các tổ dân phố đã hoàn thành làm các mô hình trình diễn cho đêm hội Trung thu với chủ đề “Lung linh đêm hội thành Tuyên”. Đây là một lễ hội độc đáo, không chỉ dành riêng cho trẻ em mà đó là ngày hội của toàn người dân thành phố, tạo nên bản sắc riêng có của thành Tuyên.
Thành phố Tuyên Quang đã chỉnh trang đô thị, phố phường sạch đẹp. Điều đặc biệt là khai mạc lễ hội được tổ chức trên sân khấu nổi Hồ công viên Tân Quang vào 20 giờ ngày 27/9, được phát sóng trực tiếp trên VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam. Ban Tổ chức đã thực hiện sơ khảo cuộc thi “Người đẹp Tuyên Quang” và tuyển chọn được 22 thí sinh vào vòng chung kết vào 20 giờ ngày 28/9; phối hợp với UBND các tỉnh trong vùng Đông Bắc tổ chức tuyển chọn diễn viên, nghệ nhân, vận động viên tham gia biểu diễn nghệ thuật quần chúng và thi đấu các môn thể thao dân tộc; lựa chọn ảnh có chất lượng tham gia triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”; tổ chức trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch tại Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang năm 2012...
Tất cả đã sẵn sàng, Tuyên Quang dành điều kiện tốt nhất để Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII năm 2012 thành công tốt đẹp, góp phần quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch của các tỉnh trong khu vực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thành Công
|
Nguồn: TQĐT |
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012
Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét