Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Bay để cười đùa cùng gió và trò chuyện với chim trời


Ngày bé, hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến trò chơi “chim bay, cò bay”. Bạn hỏi tôi “Chim bay không?” và tôi làm động tác bay. Bạn hỏi tôi “Cò bay chứ”, tôi lại làm động tác bay. Bạn “gài” tôi “Người bay không?”, tôi đứng yên vì người tất nhiên không bay được. Nhưng thôi, đó là chuyện ngày tôi còn bé, nếu bây giờ bạn hỏi tôi câu ấy, chắc chắn tôi sẽ trả lời, à không, tôi sẽ khẳng định rằng: “Người cũng bay!”
Từ ước mơ... 
Niềm vui bay bỗng cùng mây trời khiến hành lý nặng nề cũng trở nên nhẹ bỗng.
Tôi “biết bay” một cách rất tình cờ vào năm 2004, khi đang làm công việc thiết kế cho một công ty quảng cáo và tình cờ gặp Long Loco – một người Việt Nam “bay” nổi tiếng. Và rất nhanh chóng, tôi bị mê hoặc khi anh cho tôi xem những tấm hình của anh và bạn bè chơi môn dù lượn – paragliding. Hình ảnh những chiếc dù lượn đủ sắc màu rực rỡ trên bầu trời xanh biếc cứ ám ảnh tôi mãi, cả trong những giấc mơ. Thế là sau đó, tôi xin đi theo nhóm của anh trong một chuyến bay ở làngdu lich Mui Ne.
Những tưởng tượng tuyệt đẹp, cả những háo hức của tôi trước chuyến đi bị hun nóng, tan chảy trong cái hừng hực như một chảo lửa của đồi cát trong một ngày nắng không thể gay gắt hơn được nữa. Để có một chuyến bay mười phút, tôi đã phải lê lết đi theo đoàn lội cát cả gần tiếng đồng hồ. Lên đến nơi, sau khi chuẩn bị xong xuôi mọi người lại tiu nghỉu ngồi chờ gió, không ai biết chắc khi nào gió sẽ nổi lên, không ai có thể bảo đảm chuyến đi lần này của cả nhóm không thành công cốc. Nhưng thật may mắn, không lâu sau đó gió bắt đầu thổi và ngay khi chiếc dù đầu tiên được nâng lên, phần phật trong gió, giòn giã như một niềm vui thì cũng chính là lúc niềm khao khát được chạm tay vào đó, được chia sẻ niềm hân hoan đó, được chân không chạm đất, được phá bỏ giới hạn của con người và quan trọng nhất là được bay trong tôi cũng như chiếc dù kia, lộng gió.
…đến hiện thực
Và như thế, sau chuyến đi “ké” đầu tiên đó, tôi cắp sách vở theo Long Loco “tầm sư học đạo”. Chắc hẳn những ngày đầu đó, Long loco đã phải cực kỳ kiên nhẫn với tôi vì là con gái, tôi học chậm hơn các bạn nhiều. Biết thân biết phận nên tôi cũng bấm bụng chả bao giờ kêu ca dù có bị lôi xềnh xệch trên mặt đất, tay chân bầm tím hay thi thoảng còn bị bắt nạt làm chân sai vặt cho nhóm, phụ anh em xếp dù, rửa chén trong mỗi chuyến đi.
Một trong những bài học quan trọng nhất của môn dù lượn là phải học cách hiểu tâm tính của gió, của khí trời và của cả những đám mây, để “đọc” được các luồng gió mà mắt không nhìn được. Và tôi nhớ mãi ngày 8.10.2004, cái ngày mà tôi bay chuyến bay đơn đầu tiên trong đời.Tôi không có bản năng bay như chú chim Blu trong film hoạt hình Rio, tôi có lý thuyết và lòng tin, cùng khao khát được bay. Tôi không sợ độ cao, nhưng tôi sợ chính mình, tôi sợ mình làm sai. Tôi căng thẳng kiểm tra dây dù, lẩm nhẩm những nguyên tắc an toàn, tôi kéo vòm dù, làm động tác cất cánh tôi đã thực tập không biết bao nhiêu lần, rồi lao ra... Cho đến khi tôi nghe tiếng Long Loco trong bộ đàm nhắc tôi quẹo trái thì ra…ah..ah, tôi đang bay đấy... Tôi sẽ không nói cho bạn biết bay có cảm giác như thế nào đâu, bạn phải tự mình thử đi thôi.
Và những ước mơ lớn hơn thế nữa
Sau một thời gian dài đến với môn dù lượn, tôi đã thu thập được cho mình những thành tích kha khá như một lần gãy chân, vài lần đáp trên ngọn cây thông và vô số những chấn thương lặt vặt khác. Nhưng điều lớn nhất tôi có được chính là tình yêu và niềm đam mê dành cho bầu trời.Trong một thời gian rất dài, bầu trời chính là “người yêu” mà hò hẹn mỗi cuối tuần. Dù bận bịu đến mấy tôi cũng thu xếp được thời gian để đến với bầu trời của tôi. Như những chú chim thiên di, bay theo mùa gió, chúng tôi lang thang khi thì Tp. Du lich Da Lat khi thì đi Tour Mui Ne. Khi một mình giữa những đám mây, để mặc gió mơn man qua từng sợi tóc và nhìn xuống bên dưới, nhìn xuống thế giới loài người qua con mắt của một chú chim nhỏ, tôi thấy lòng thật bình yên.
Bay dù đôi tạo cảm giác vô cùng thú vị khi sự phấn khích được nhân đôi.
Một ngày nọ tôi nhận ra rằng tình yêu bầu trời của mình ngày càng mãnh liệt, nhận ra rằng tôi đang mơ mộng đến những bầu trời xa hơn, xa hơn cả đường chân trời trước mắt. Tôi quyết định đi.
Tôi đăng ký tham gia giải Canada mở rộng.Tôi sải cánh bay ở dãy Rocky hùng vĩ. Tôi gặp gỡ, trò chuyện với những dân chơi dù chuyên nghiệp và nhận ra rằng mình chỉ là một người tí hon bên cạnh những gã khổng lồ đó. Nhưng rồi tôi khám phá ra rằng, chẳng có một chuẩn mực bắt buộc nào trong môn dù lượn cả. Chỉ có bạn và bầu trời, vì thế “Hãy cứ bay bằng cách của riêng bạn”, Steve Cox (một chuyên gia về dù lượn) đã nói với chúng tôi như thế khi chúng tôi tham gia khoá học ngắn cùng anh tại Canada.
Rồi tôi còn khám phá thêm nhiều bầu trời khác, tự do ngắm nhìn những địa danh tuyệt đẹp ở Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Nepal… từ trên cao. Và cứ qua mỗi lần như thế, tôi lại càng yêu thêm bầu trời xanh bất tận, yêu thêm những cơn gió và từ đó, yêu tha thiết cuộc sống và đam mê của chính mình.
Thật ra:
Bay là cảm giác sung sướng khủng khiếp thứ nhì mà con người nhận biết được... Đáp là thứ đầu tiên.
Flying is the second greatest thrill known to man... Landing is the first!
Bay được không là gì cả, – Long loco nói với tôi – mà phải bay an toàn. Rằng “phi công giỏi là phi công già”. Ngay sau khi bạn bay được chuyến bay đầu tiên, đó mới là lúc bạn thật sự “học bay”.
Có nhiều người cho rằng đây là môn thể thao dành cho những người can đảm. Sai rồi! Thử nghỉ xem, Bạn có can đảm không khi lao vào khoảng không mà không biết điều gì đang chờ mình ở đó? (Không, tôi gọi đó là... điên rồ, là liều mạng). Theo tôi, đây là môn thể thao của kiến thức, lòng kiên trì và kinh nghiệm. Bạn phải học để biết giới hạn, biết những quy tắc. Mỗi chuyến bay đều đòi hỏi sự tỉnh táo và đầu óc phân tích. Hãy nhớ rằng bạn đang đứng trước thiên nhiên, kẻ ấy mạnh hơn bạn nhiều.
KHÁNH LINH (GHI THEO LỜI KỂ CỦA CHỊ HUỲNH MỸ LINH)
Thông tin
Chi phí một bộ dù lượn khoảng 3.000 usd, bao gồm cánh dù (wing), đai ngồi (harness) và dù phụ (rescues parachute), cánh dù phụ thuộc vào cân nặng của phi công. Mỗi cánh dù có diện tích tỷ lệ với trọng lượng phi công khi bay (in flight weight). Do đó mỗi người có trọng lượng và trình độ khác nhau sẽ lựa chọn cánh dù phù hợp với mình.
Đai (harness) được chọn tuỳ theo cân nặng và chiều cao của phi công. Dù phụ là bắt buộc trong an toàn bay. Các thiết bị cần thiết khác (equipments) Vario (thiết bị báo độ cao, độ leo) GPS (thiết bị định vị vệ tinh) Radio (bộ đàm) Mũ bảo hiểm (helmet) Trang phục: Áo tay dài, găng tay, giày leo núi cổ cao (bảo vệ mắt cá chân) Chi phí cho một khoá học: 6.000.000 đồng (trong khi học, học viên sẽ sử dụng thiết bị của câu lạc bộ) Bay đôi (tadem) Muốn thử cảm giác bay bạn có thể thử bay đôi (tadem) với các huấn luyện viên. Giá cho một chuyến bay đôi là 800.000 đồng.
Liên hệ www.vietwing-hpg.com để tham gia.
sgtt.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét