Lấy nội địa làm thị trường trọng điểm đang trở thành vấn đề được thảo luận nhiều khi bàn về hướng phát triển của ngành du lịch nước ta trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Để khai thác tốt tiềm năng, thắng trên "sân nhà", mấu chốt chính là sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp.
Tăng tốc tour nội
Theo phân tích của các hãng lữ hành Việt Nam, những năm trước đây, chúng ta chỉ chú trọng đến khách nước ngoài mà ít quan tâm đến khách trong nước. Trong khi, với trên 80 triệu dân, thị trường nội địa nhiều tiềm năng và tăng trưởng bền vững. Do đó, tăng tốc thị trường khách nội địa không chỉ là biện pháp giảm khó tức thời mà là chiến lược dài hơi để phát triển du lịch.
Tại thời điểm thị trường nội địa tỏ ra "trầm lắng", các doanh nghiệp lữ hành đang đẩy mạnh liên kết với đối tác nhằm giảm giá tour, đồng thời xây dựng các tour mới để đầu tư cho những mùa du lịch tới. Đơn cử, sau khi Air Mekong mở đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo, Công ty du lịch Vietravel - Chi nhánh tại Hà Nội (Vietravel Hanoi) nhanh chóng kết hợp với khu nghỉ dưỡng cao cấp Côn Đảo Resort xây dựng một chương trình trọn gói 3 ngày 2 đêm với giá 8,49 triệu đồng (giảm 1 triệu đồng). Nhờ đó lượng khách đăng ký tour "Thiên đường của biển" Côn Đảo trong 10 tháng năm 2012 tại Vietravel đã tăng lên khoảng 40% so với năm 2011. Để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng ngày càng tăng, theo đại diện của Vietravel Hanoi thì tần suất khởi hành từ một tuần/chuyến vào thứ sáu cũng sẽ được điều chỉnh tăng lên hai chuyến/tuần và sản phẩm sẽ là 4 ngày 3 đêm vào mùa cao điểm hè 2013.
Không chỉ riêng Vietravel đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp liên quan để xây dựng tour, tuyến mà nhiều hãng lữ hành khác như: Vietran Tour, Hanoi Redtours, Newstar Tour, Hanoitourist... cũng đã áp dụng thành công phương thức này. Với các chương trình tour mới lạ, đa dạng cùng những điểm đến hấp dẫn, Công ty Du lịch quốc tế Ngôi Sao Mới (Newstar Tour) cũng thu hút thêm một lượng không nhỏ khách hàng đăng ký tham gia các tour "Khám phá vẻ đẹp núi rừng Đông bắc" ở Hà Giang, Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc… ngay trong mùa thấp điểm của du lịch nội.
Tìm… "nhạc trưởng"
Không phải đến bây giờ, sự liên kết giữa lữ hành, vận chuyển và cơ sở lưu trú mới được đẩy mạnh. Tuy nhiên, từ lâu, du lịch Việt Nam, dù có thừa tiềm năng nhưng vẫn thua ngay trên "sân nhà" là vì mối liên kết giữa các doanh nghiệp chưa thực sự "mặn mà". Việc giá dịch vụ như vận chuyển,vé máy bay, phòng khách sạn tăng trong thời gian qua đã khiến tour nội ngày càng khó cạnh tranh với tour ngoại.
Vì sao trong khi giá tour một số tuyến điểm trong nước lên tới 12 đến 15 triệu đồng thì giá tour đến Thái Lan chỉ khoảng 7 triệu đồng, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel lý giải, ở các nước như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc… sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch rất chặt chẽ. Điều đó thể hiện ở việc ký kết, thỏa thuận dùng giá nội bộ và đưa ra sự trợ giúp lẫn nhau giữa những người làm lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, điểm tham quan bày bán sản phẩm khiến giá tour mà họ đưa ra ở mức rất thấp. Chính vì việc chỉ phải bỏ ra mức phí vừa phải cho chuyến hành trình mà du khách sẽ mở rộng "hầu bao", chi tiêu "mạnh tay" hơn ở mỗi điểm đến. Mức tiêu dùng này lại được sử dụng để điều chỉnh lợi nhuận trong toàn bộ mắt xích của hệ thống liên kết. "Nhờ có nhiều nhóm doanh nghiệp liên kết với nhau tạo ra sự cạnh tranh, bảo đảm về giá và giữ vững chất lượng, khách hàng là người được hưởng lợi là bí quyết khiến ngành "công nghiệp không khói" ở nhiều nước vẫn phát triển ổn định ngay cả trong thời điểm kinh tế khó khăn", ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.
Chung quan điểm trên, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, không phải chúng ta không biết cách làm du lịch mà bài học từ thành công của chương trình kích cầu năm 2009 mang tên "Ấn tượng Việt Nam" là một minh chứng rõ nét. Bất chấp những khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra, lượng khách nội địa đã sử dụng dịch vụ tại các khách sạn, khu du lich cao cấp từ 3 đến 5 sao trong năm 2009 vẫn tăng cao, góp phần tăng thu nhập du lịch cả nước, bù lại cho lượng khách quốc tế giảm 10%. Bên cạnh đó, chương trình còn thành công khi bước đầu giúp các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ liên kết chặt chẽ với nhau hơn, chung tay xây dựng các tour, cùng chia sẻ quyền lợi vì lợi ích quốc gia. Điều này cho thấy, không khó để kéo lại thị trường nội địa, ngăn chặn nguồn ngoại tệ chảy ra nước ngoài. Vấn đề ở chỗ ngành du lịch cần có một "nhạc trưởng" đủ mạnh đưa ra những quyết sách đúng đắn.
Nguồn: HNM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét