Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

“Kitesurf” nhé em

“Em nói đi, có môn thể thao nào mà vừa lướt được trên mặt biển, vừa bay được lên trời như môn kitesurf (lướt sóng dù), đúng không?”, anh bạn (sau này là thầy dạy của tôi) đã hứng chí cao giọng hỏi tôi như thế khi đang ngồi uống chai bia trong quán bar trên bãi biển Mũi Né một tối lộng gió. Trong cơn hưng phấn, tôi gật đầu đánh rụp: “Đúng”! Và tiếp tục trong cơn hưng phấn, tôi thề thốt quyết tâm học bằng được môn này.
Học kitesurf từ… hồ bơi!
Những màn tung, xoáy nghịch đùa với gió và nước khiến những ai mê môn thể thao kitesurf mê mẩn và quyết tâm chinh phục.
Trong lúc tôi đang mơ màng với một ngày nào đó tôi sẽ tung người trên những con sóng, nhào lộn theo gió và đu theo diều lướt trên mặt biển thì bạn trai tôi rất thực tế nhìn nhận rằng tôi sẽ không bao giờ học kitesurf nổi nếu không bắt đầu từ học… bơi. Chuyện rất đơn giản thế mà tôi không nghĩ ra đến khi anh nhắc mới nhớ rằng thì là tôi – hoàn toàn không biết bơi!
Thế là cuống cuồng cả lên vì mùa gió đã sắp sửa qua đi và thật tình là tôi không muốn và cũng không nhịn được đến tận tháng 1 năm sau để học. Vậy là một chương trình học bơi cấp tốc tuần ba buổi được đề ra cấp kỳ. Mỗi tuần hai, tư, sáu tôi lại lóc cóc vài đồ bơi đến tận nhà đón thầy đi dạy.
Thầy giáo tôi thường rất dễ tính nhưng ra đến hồ thầy thoắt trở nên nghiêm túc cực kỳ và tuyệt đối không giỡn hớt. Thầy đề ra giáo án cực kỳ bài bản. Đầu tiên thầy biểu diễn các kiểu bơi và sau hồi suy nghĩ, thầy quyết định dạy tôi bơi bướm. Sau tuần đầu tiên, tay chân tôi đã biết phối hợp tương đối nhịp nhàng và đúng kỹ thuật tuy chưa… nổi được. Tuần thứ hai, tôi đã lào quào đi được vài ba mét, thầy hớn hở ra mặt. Tuần thứ ba, tôi đã tự tin nhắm mắt nhắm mũi lò mò ra khu vực sâu 1m70 và cặm cụi ráng bơi vào bờ, thầy lúc này thì phấn khởi hết sảy, khoát tay bảo: “Cơ bản là được rồi”. Tuần thứ tư thầy tung ra chiêu cuối là dạy tôi đứng nước nhuần nhuyễn. Sau kỳ sát hạch cuối cùng các bài học cơ bản, thầy vui vẻ chở tôi đi mua vé xe buýt ra làng du lich Mui Ne ngay trong cuối tuần!
Ra đến bãi biển…
Làng du lich Mui Ne được ưu ái gọi là “thánh địa của gió” trên toàn vùng Đông Nam Á. Vào mùa gió, bắt đầu từ khoảng tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, dân lướt ván dù (kitesurf) hay lướt ván buồm (windsurf) từ khắp các nơi trên thế giới đổ về, thậm chí còn có nhiều người thuê nhà trọ ở lại hết cả một mùa gió. Đây là mùa nhộn nhịp và sôi động nhất trong năm ở làng du lich Mui Ne. Những buổi chiều lộng gió, cả trăm con diều đủ sắc màu bay lượn trên không và cả những màn nhào lộn mang tính biểu diễn rất cao của dân chuyên nghiệp là một cảnh tượng đầy mê hoặc.
Có rất nhiều sự lựa chọn cho một khoá học kitesurf cơ bản, năm tiếng, bảy tiếng, mười tiếng hoặc hơn thế nữa với học phí không hề rẻ chút nào. Trường mà tôi chọn là Vietnam Kitesurf, một trong những trường nổi tiếng và giá lại có vẻ mềm hơn những chỗ khác, nhưng cũng đã đến 40USD/giờ. Tôi chọn khoá bảy tiếng, học trong hai ngày. Đóng tiền xong là nhập trường ngay.
Môn thể thao dưới nước kitesurf hấp dẫn cả phái nữ và sự xuất hiện của những bóng hồng như thế này càng tăng thêm sự hấp dẫn.





Lớp học một thầy một trò được tổ chức ngay trên bãi biển. Thầy thì trần trùng trục, trò thì bikini lăng xăng. Dọc bãi biển có hàng chục những lớp học như thế, rải rác. Đám học trò bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm để phân biệt với dân chơi dù chuyên nghiệp mà theo lời ông thầy của tôi thì cũng là để “Người ta biết mà tránh xa kẻo lại mang hoạ!”
Đầu tiên tôi được phát cho một con diều gió nhỏ xíu và bị bắt ra đứng ngoài nắng tập điều khiển. Tôi nhìn thầy, vừa khinh khỉnh vừa quê quê, lấm lét nhìn quanh vì sợ ai thấy sẽ cười chết. Ấy thế mà vừa đụng vào con diều phát là tôi hết cả hồn, mất kiểm soát và làm nó nghiêng ngả suýt đập vào thân cây dừa. Con diều tuy nhỏ nhưng rất no gió, chao nghiêng điên loạn khiến tôi không tài nào điều khiển. Toát hết cả mồ hôi hột cả thầy lần trò, hơn 30 phút sau tôi mới tạm hiểu con diều và giữ yên hoặc lái qua trái qua phải. Sau gần một tiếng vật lộn với con diều, thầy chuyển sang bài khác.
Bài học tiếp theo là cách chuẩn bị một con diều từ khâu vác nó ra bãi biển, bơm hơi, cột các mấu nối dây diều và tập làm quen với con diều 4m. Lại tiếp tục ngồi bệt xuống cát, móc đai quấn quanh bụng vào con diều và điều khiển. Ban đầu là dùng hai tay, sau đó là chỉ dùng tay phải, rồi tay trái. Rồi cầm diều đi qua đi lại đổi tay chán chê xong thầy lại chuyển bài.
Tôi được ra lệnh vác ra một con diều 8m, hì hục thực tập bơm diều rồi lại ngồi xuống cát, móc đai vào diều và trình diễn những kỹ thuật vừa mới học. Lớp học trên bờ ngốn của tôi gần ba tiếng, làm tôi vừa học vừa thấp thỏm lo âu vì “đồng tiền nó liền khúc ruột”.
… Và xuống nước
Trước khi xuống nước, thầy bảo bám chặt vào lưng thầy không được buông, thế là tôi cắm đầu cắm cổ bám chặt, tay siết mạnh đến nỗi lúc lên bờ mới thấy rịn cả máu ra. Đầu tiên thầy dạy tôi cách cầm diều bằng một tay và bơi ra xa sau đó ngâm mình dưới nước điều khiển diều theo nhiều hướng khác nhau cho nhuần nhuyễn. Tiếp theo đó là cách cầm diều bằng một tay bơi ra bơi vào. Ở dưới biển cùng với sóng, mọi lý thuyết lẫn thực hành trên bờ coi như tiêu tán. Vì cứ mỗi con sóng ập lên đầu là mỗi lần tôi buông tay đánh rơi diều xuống mặt biển làm mọi người lướt sóng gần tôi được bao phen hoảng hốt né tránh. Cuối cùng, vật vã mãi thì tôi cũng đã tự tin điều khiển diều dưới nước. Chưa kịp vênh váo thì thầy đã phán “Về nghỉ cho khoẻ, mai học cách ngoáy diều là sẽ ê ẩm lắm đấy”. Mọi phấn khích tôi dành cho môn kitesurf này lúc ấy như một cái ly thuỷ tinh, rơi xuống đất loảng xoảng, vỡ vụn.
Nhô lên mặt nước và… tiếp nước bằng bụng
Sáng hôm sau tôi cố tình chần chừ mãi đến khi thầy điện thoại réo rắt mới lừ đừ đi xuống trường. Thầy mang ra con diều mô hình bằng đồ chơi dạy tôi cách ngoáy diều để con diều có lực kéo người mình di chuyển và lướt được trên ván. Đây là bài học cuối cùng trước khi lên ván, song lại là bài học khó và quan trọng nhất.
Biển đẹp và trời trong, chỉ chờ có thế, những tín đồ kitesurf lại vác diều ra biển tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời khó quên.
Lần này ra biển đến lượt thầy bám vào tôi phía sau lưng. Mặc cho tôi ngoáy y như lời thầy dạy thì diều chỉ toàn chúi mũi xuống biển. Thảm thương hơn là tôi còn làm xịt cả hơi diều hai lần, rách diều một lần. Mỗi lần như thế, thầy lại vừa phải cuốn diều, vừa bơi, vừa kéo tôi từ xa tít vào đến bờ là đứt cả hơi. Thương thầy và cũng áy náy nên tôi quyết tâm ngoáy bằng được. Cuối cùng tôi cũng tìm được cách ngoáy diều và tạo lực để nhấc cả thân hình lên mặt nước, nhưng không hiểu sao lúc chạm xuống mặt nước trở lại tôi toàn tiếp bằng bụng oành oạch, vài lần như thế bụng tôi đau như bị đấm và cả đời mình, chắc chả có bao giờ tôi uống nước biển nhiều hơn thế.
Kết thúc khoá học với số thời gian vượt mức từ bảy tiếng lên thành mười tiếng. Tôi không ngờ học lướt ván diều lại khó khăn đến nhường ấy. Cơ bản tôi đã biết lên ván và lướt được vài mét với đủ mọi cảm giác lẫn lộn. Đầu tiên là cảm giác thở phào nhẹ nhõm vì đã trải qua hết các giai đoạn gay cấn nhất. Tiếp theo là hơi vênh váo khi nhìn các bạn đồng môn mới nhập trường dặt dẹo với con diều con con trên bờ, còn mình thì đã tung tăng dưới nước. Cuối cùng, hơn tất cả là cảm giác tuyệt vời khi làm quen với một môn thể thao mới mà tôi biết chắc là tôi sẽ mê mẩn. Sẽ còn rất nhiều luyện tập chăm chỉ trước khi tôi “vừa lướt được trên mặt biển, vừa bay được lên trời” như lời dụ dỗ ban đầu, nhưng cảm giác vượt qua những bài học khó khăn cũng đủ để tôi nhâm nhi niềm vui này cả tháng. Còn nếu ngồi tưởng tượng đến một cuối tuần nào đó, khi tôi đã thành thạo môn kitesurf và sở hữu một con diều riêng để cùng người yêu ra Mũi Né lướt cùng với nhau, thì ý nghĩ ấy đủ cho tôi nhấm nháp cả năm trời vì niềm sung sướng…
Có cả những phen đối mặt với hiểm nguy nhưng không vì thế mà người chơi nao núng
Môn lướt ván diều là một môn thể thao rất phổ biến tại các bãi biển ở các nước phương Tây và nó đã được du nhập vào bãi biển Mũi Né khoảng từ mười năm nay. Tuy nhiên, phần lớn dân chơi lướt sóng diều ở đây đa phần là người nước ngoài bởi chi phí dành cho môn thể thao này hiện tại rất đắt đỏ.
Để đến với môn này, người chơi cần một con diều chuyên dụng từ 6 – 12m (kích thước của con diều phụ thuộc vào tốc độ và sức mạnh của gió). Giá một con diều trên dưới 1.000USD chưa kể đến các vật dụng khác như đai bảo hiểm, ván và những trang thiết bị khác. Vì đây là môn thể thao có phần mạo hiểm và nó đòi hỏi nhiều kỹ năng, nên việc tham gia một khoá học kỹ càng, cụ thể từng bước là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
ttgd.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét