Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Phó Nháy Đà Lạt


Ít có địa phương nào lực lượng "phó nhòm" đông đảo và năng động như ở Đà Lạt. Đến mùa du lịch cao điểm, Đà Lạt có trên 1.500 người hành nghề. Đây được xem là nghề thời vụ, một vốn ba lời, chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để sắm chiếc máy Canon đời cũ là có thể trở thành "nhiếp ảnh gia"...
Những ông thợ "3 Đ"
N.V.H có hơn 5 năm trong nghề kể: "Hồi mới vào nghề, do không "thông luật" mình đã bị một trận "no đòn" vì cái tội "ngựa non háu đá", may mà chiếc máy chưa bị quăng xuống hồ". H. kể tiếp: "Ở Đà Lạt thợ hình đông lắm nhưng hoạt động có luật lệ hẳn hoi theo phương thức "3 Đ". Biết tôi chưa hiểu, H. giải thích: "Một là thợ nằm Điểm, hai là thợ Đoàn và ba là thợ Đua". Đầu tiên phải kể đến thợ Điểm, bất cứ điểm tham quan du lịch nào cũng luôn có từ 10 - 30 "phó nhòm" ngày ngày kiên nhẫn, cần mẫn như những con ong thợ ngồi chờ khách. Tại mỗi điểm, anh em tự tổ chức hành nghề, nếu khách ít thì "chia tài", tuần tự cứ hết anh này đến anh khác tận tình đeo bám phục vụ du khách. Tiếp đến là thợ Đoàn, nhóm này chỉ độ vài ba chục người, là những người thâm niên trong nghề, có tay nghề vững, có trình độ và khả năng thuyết minh cho du khách nên được các tour lữ hành, hoặc các trưởng đoàn, nhà xe tín nhiệm mời cộng tác làm "hướng dẫn viên địa phương". Đông đảo nhất là cánh thợ Đua. Đây là những "phó nhòm" trẻ, xông xáo, hằng ngày tập trung ở chân đèo Prenn để đón lõng các chuyến xe du lịch lớn nhỏ vào thành phố; chỉ cần liếc mắt lên xe không có thợ Đoàn là lập tức "xuất bến" bám theo ngay. Họ theo xe về tới khách sạn và luôn túc trực để khi nào khách đi tham quan là sẵn sàng phục vụ.
Có luật bất thành văn mà bất cứ anh em thợ hình nào muốn hành nghề lâu dài cũng phải tuân thủ, nếu vi phạm sẽ bị "xử” ngay. Đơn cử, thợ Đoàn muốn đón xe quen phải đến quán nước thợ Đua tập trung để "ghi số xe" trước, bằng không khi xe chạy ngang thợ Đua đã bám theo thì sáng hôm sau thợ Đoàn muốn chụp phải thương lượng "mua lại" của thợ Đua với giá 100 - 200 ngàn đồng/xe. Còn các bác thợ Điểm trên nguyên tắc chỉ được chụp khách đi lẻ, nhưng thường canh me nếu thợ Đoàn dẫn khách vào mà lơ là hoặc chụp không kịp thì thợ Điểm tranh thủ "rỉa" ngay, nếu khách chịu thì dọt xe chạy theo đến các điểm khác phục vụ tận tình. Cho nên đây đó vẫn có cảnh anh em "phó nhòm" xích mích vì giành khách của nhau.
Nghệ thuật "moi" tiền
Dẫn nhóm bạn đến từ TP Hồ Chí Minh đi tham quan các thắng cảnh chúng tôi mới cảm nhận được sự nhiệt tình của "phó nhòm" Đà Lạt với "biệt tài" kiên trì đeo bám bất kể khách không có nhu cầu. Các bác "phó nhòm" tỏ ra rất lịch sự, sẵn sàng "cố vấn nghệ thuật" và bấm máy hộ nếu cả gia đình cần chụp hình chung, sau đó mới nhẹ nhàng thuyết phục. Chị T.T.N.T phân trần: "Mình đi tour Da Lat nhiều rồi, đâu có nhu cầu chụp hình, nhưng thấy anh em nhiệt tình và dễ thương đến... tội nghiệp(!) nên đến mỗi điểm bấm ủng hộ vài kiểu, thế mà cuối chuyến đi cũng hết cả cuộn phim".
Xe ngựa - nét đặc thù của Đà Lạt
Anh P.Đ.Đ, một thợ ảnh kiêm hướng dẫn viên lâu năm khẳng định: "Bây giờ du khách có đủ loại máy kỹ thuật số hiện đại, máy của thợ hình không thể sánh bằng, muốn sống phải có cái mồm thật dẻo, phải tỏ ra lịch sự, chứng tỏ được tay nghề tạo sự tin cậy cho du khách thì mới chụp được hình". Với cánh thợ Đoàn có ưu thế hơn, bình thường họ xuống Đức Trọng để đón đoàn, trên suốt quãng đường 40km về lại Đà Lạt họ bắt đầu trổ tài "ăn nói". Trước hết, họ xin phép được giới thiệu về Thiên đường du lich Da Lat để du khách hiểu và yêu mến Đà Lạt hơn. Tiếp đến, họ có một vài "lưu ý", đại loại: "Đà Lạt là một thành phố văn hóa, đa số người Đà Lạt đều hiền hòa và hiếu khách, tuy nhiên không loại trừ những "con sâu làm rầu nồi canh" trong kinh doanh dịch vụ, cho nên khi đến tiệm ăn khách nhớ hỏi giá trước kẻo bị chém đẹp, các anh trẻ trẻ coi chừng bị cà phê ôm... lừa, đến các điểm tham quan nhớ cảnh giác với nài ngựa hay lấp lửng giá cả để lấy tiền thêm... nhưng quan trọng nhất là nếu có nhu cầu chụp hình, đoàn chúng ta đã có vài anh em đây sẵn sàng phục vụ du khách, bảo đảm hình đẹp mới lấy tiền!". Ngày tiễn khách về thường tham quan thác Datanla và Prenn..., khách cứ việc chụp hình thoải mái, chỉ cần ghi lại địa chỉ, số điện thoại, vài ngày sau có người mang hình tới nhà giao hình mới lấy tiền.
Tai nạn nghề nghiệp
Nói thế không phải là anh em phó nhòm không gặp "tai nạn nghề nghiệp". Anh M.D.A trước đây là thợ Điểm ở Thung lũng tình yêu kể: "Lần ấy có 2 cô gái đi trên chiếc taxi ăn bận rất mô-đen và chịu chơi, đến Thung lũng tình yêu chỉ hơn một tiếng, mỗi cô "nướng" ngay 1 cuộn phim, đi tiếp điểm thứ 2 cũng thế, chiều tối tới giao hình, khách sạn cho biết 2 cô đã về lại Sài Gòn, thế là "ôm sô" vì chẳng biết đâu mà tìm". Có những du khách tỏ ra mình chơi hình sành điệu thường "làm khó". Họ vừa xem hình vừa chê bai: "Tôi bận chiếc áo đỏ sao bây giờ hình lại màu hồng?", "Tôi ốm chứ đâu có mập mà sao anh chụp tôi mập quá, không lấy hình đâu!"... Với những trường hợp như thế phó nhòm phải xuống nước, bớt giá hoặc bớt hình. Cũng không ít trường hợp sau vài ngày phục vụ tận tình, chụp hình ưng ý, sau khi giao hình trả tiền xong khách còn "bo" thêm vài trăm ngàn tiền xăng. Có trường hợp nhiều cô gái trẻ "phải lòng" các anh thợ hình đẹp trai, ăn nói có duyên nên không tiếc tiền chụp hình. Khi tới giao hình, các cô còn nhõng nhẽo bắt phó nhòm đưa đi dạo phố đêm Đà Lạt, đi uống cà phê... để kết bạn. Đã có không ít mối tình chân thật nảy nở sau chuyến du lịch. Đây không phải chuyện kể cho vui, ít nhất ở Đà Lạt có 4 cặp vợ chồng nên duyên từ... chiếc máy ảnh.
Lâm Viên
dalattoday.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét