Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Tỉnh Bình Thuận: Bảo đảm an toàn cho du khách tắm biển.


Bình Thuận được thiên nhiên ưu đãi có bờ biển dài và đẹp. Hoạt động du lịch có những bước phát triển nhanh cũng nhờ có ưu thế về biển. Các hoạt động thể thao giải trí trên biển phát triển đa dạng các loại hình, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham gia.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn cho du khách và người dân khi tắm biển ở vùng này còn nhiều điều đáng quan tâm.
Những bãi tắm đẹp ở làng du lich Mui Ne Phan Thiết, Bình Thuận) đều ưu tiên dành cho khai thác du lịch. Ảnh: TRẦN THẾ ĐOÀN.
Sơ sài, thủ công, thiếu chuyên nghiệp
Ngày 3-12-2012, khi tắm biển tại bãi tắm công cộng thuộc khu vực Gành Bãi sau Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận), anh An-đrây Ðu-bi-nhin, sinh năm 1988 (quốc tịch Nga) bị chết đuối do sóng lớn cuốn đi. Trở lại đầu năm 2012, tại bãi tắm thuộc khu vực Nhà nghỉ làng du lich Mui Ne của Bộ Công an, hai khách đang nghỉ tại đây cũng bị chết đuối khi tắm biển do sóng lớn, nước ngầm chảy xiết, mặc dù trước đó đã được bảo vệ nhà nghỉ nhắc nhở không nên tắm. Ðây là hai trong nhiều trường hợp chết đuối khi tắm biển ở bãi tắm trong khu vực khu du lịch quản lý hoặc ở bãi tắm công cộng. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Bình Thuận, trong hai năm 2011 và 2012, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 người chết đuối khi tắm biển. Hầu hết do sự chủ quan của người tắm biển, thích ra xa bờ để tắm. Nhiều trường hợp coi thường tính mạng, sử dụng các chất kích thích, uống rượu, bia say rồi xuống tắm...
Với chiều dài bờ biển 57 Km, tập trung hơn 230 dự án du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, trong đó có 130 dự án đã đi vào hoạt động, TP Phan Thiết thành lập ba Ban Quản lý Khu du lich, gồm: Hàm Tiến - Mũi Né; Ðồi Dương - Thương Chánh và Tiến Thành. Chỉ duy nhất Ban Quản lý Ðồi Dương-Thương Chánh quản lý bãi tắm công cộng ngay trong nội đô, có đội bảo vệ với năm người vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự kiêm luôn công tác cứu hộ, cứu nạn. Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ðồi Dương - Thương Chánh, TP Phan Thiết Lê Ngọc Hiệp, cho biết: Từ năm 2010 đến nay, tại đây đã xảy ra 82 vụ mất an toàn khi tắm biển. Lực lượng cứu hộ của đơn vị, cùng với sự hỗ trợ của địa phương đã cứu được 75 người, nhưng vẫn có tám người chết. Thiết bị sử dụng cứu hộ chỉ có phao và áo phao, không có phương tiện di chuyển trên biển cùng các dụng cụ y tế hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Nếu được trang bị các phương tiện cứu hộ chuyên dụng, chắc chắn sẽ giảm được nhiều trường hợp chết.
Giám đốc Ban Quản lý Khu du lich Hàm Tiến - Mũi Né Ngô Văn Ðồng cho biết: "khu vực do Ban phụ trách có chiều dài hơn 24 Km, được coi là thủ đô Resort của cả nước, cùng với nhiều bãi tắm công cộng đẹp và hấp dẫn. Với nhân sự chỉ có 13 người, việc lập đội bảo vệ là không thể. Công tác cứu hộ, cứu nạn do từng cơ sở du lịch, resort tự tổ chức. Tại những bãi tắm công cộng, vào dịp cao điểm thì Ban sẽ cử nhân viên cảnh báo, hướng dẫn cho nhân dân và du khách đến tắm ở những khu vực bãi tắm an toàn". Ở những địa phương ven biển khác, công việc này lại giao cho từng địa bàn cơ sở.
Qua thực tế cho thấy, dù có nhiều cố gắng nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn người tắm biển ở Bình Thuận còn thủ công, sơ sài và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhân lực cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn mỏng và hạn chế kiến thức chuyên môn. Phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn thô sơ. Hệ thống cảnh báo nguy hiểm không đồng bộ và thiếu quy chuẩn thống nhất. Thực trạng này, không chỉ riêng ở Bình Thuận, mà cũng là thực trạng chung, khá phổ biến trên phạm vi cả nước.
Xây dựng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và tình nguyện viên
Tỉnh Bình Thuận với chiều dài bờ biển gần 192 km, có nhiều bãi tắm lý tưởng và tổ chức các hoạt động thể thao trên biển. Lượng khách du lịch đến Bình Thuận tăng bình quân hàng năm khoảng 15%. Năm 2012, Bình Thuận đón hơn ba triệu du khách. Dù nhiều người rất thích tắm biển, nhưng phần đông không biết bơi hoặc bơi kém và rất dễ gặp nguy hiểm. Ðể bảo đảm an toàn và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn, chết đuối cho du khách và người dân khi tắm biển, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn ở các hồ bơi, bãi tắm ven biển. Theo đó, Sở VH, TT và DL cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố có biển tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác này. Phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn ở các hồ bơi, bãi tắm, hoạt động thể thao biển của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nghị định số 37/2012/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao là căn cứ pháp lý để chế tài và xử lý các trường hợp vi phạm. Các địa phương cùng các Ban quản lý Khu du lịch và cơ sở du lịch cần khoanh vùng được tắm, vùng nguy hiểm không cho tắm; thống nhất về cờ hiệu, phao tiêu, biển báo độ sâu, nội quy quy định, hướng dẫn bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Nga (nếu cơ sở có đón khách quốc tế). Tại các bãi tắm công cộng cần đầu tư, lắp đặt hệ thống phao ngăn cách vừa để chỉ giới, đồng thời cũng là phao cứu hộ cần thiết cho những trường hợp bơi ra xa bị đuối, mệt. Khuyến khích các cơ sở du lịch gần bãi tắm công cộng đóng góp phương tiện để tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Việc có nhiều bãi tắm công cộng, đặt ra sự cần thiết cần xây dựng các trạm cứu hộ, cũng như thành lập các đội cứu hộ chuyên nghiệp để ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ tình nguyện viên ở từng địa phương hoạt động tình nguyện ngắn hạn hoặc dài hạn tùy vào từng thời điểm. Ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn cho các đối tượng là nhân viên quản lý các khu du lịch, resort, khách sạn, hồ bơi, bãi tắm. Các khu du lich, các doanh nghiệp hoạt động ven biển cần thành lập các tổ, đội cứu hộ, cứu nạn được trang bị đầy đủ phương tiện để bảo đảm an toàn cho du khách của mình. Ðồng thời phối hợp địa phương hoặc Ban quản lý du lịch tại địa bàn sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi có sự cố xảy ra.
Thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn chính là sự quảng bá hình ảnh du lịch Bình Thuận, điểm đến hấp dẫn, an toàn của du khách.

ÐÌNH CHÂU
baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét