Đầy tiềm năng và nhiều hứa hẹn là những gì được nói về lĩnh vực hàng không tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế bức tranh của ngành hàng không tư nhân lại không sáng sủa như kỳ vọng.
Tại thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đang hoạt động. (Ảnh: Internet)
Chị Trần Khánh Vân, quận Bình Thạnh, TP. HCM chuyển vào Nam sinh sống đã được hơn 2 năm nay. Với mức thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng, nên trước kia khoảng 3 tháng chị Vân mới dành dụm đủ tiền để mua ve may bay về Hà Nội thăm gia đình. Nhưng từ khi các hãng hàng không giá rẻ ra đời, chị đã có điều kiện về thăm nhà thường xuyên hơn.
Chị Vân, cho biết: “Từ năm ngoái đến nay tôi đã đặt được khoảng 30 ve may bay cho bản thân, bạn bè và người thân. Mỗi một ve may bay chỉ có 200.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá của các hãng hàng không hiện nay”.
Nhu cầu về hàng không giá rẻ, được nhìn thấy rất rõ nét ở những chuyến bay luôn chật kín khách. Tiềm năng là vậy, thế nhưng bức tranh hàng không tư nhân lại không mấy sáng sửa. Hãng hàng không Indochina Airlines, ra đời năm 2008 nhưng chỉ một năm sau đã phải dừng bay với khoản nợ 28 tỷ đồng. Và mới đây nhất, Air Mekong cũng phải thừa nhận không thể tự mình vượt qua khó khăn.
“Năm 2012, Air Mekong cũng giống như các hãng hàng không khác bước vào năm kinh tế khó khăn, các chi phí đầu tư rất cao, với đội bay tiện nghi sang trọng như hiện nay sẽ không thể đảm bảo được các chi phí”, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Air Mekong, cho biết.
Thiếu vốn, chiến lược kinh doanh không phù hợp là những nguyên nhân nội tại của từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các dịch vụ mặt đất, sân bay, kỹ thuật bảo dưỡng... các hãng hàng không tư nhân đều phải thuê. Điều này đã đẩy chi phí vận hành lên cao khiến cho doanh nghiệp không đủ sức bù lỗ.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục Trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam, cho biết: “Việc các hãng hàng không phải thuê, phải trả chi phí dịch vụ mặt đất đúng là gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đây cũng là trăn trở lớn nhất khi chúng tôi xây dựng luật”.
Tại thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất hãng hàng không tư nhân Vietjet Air đang hoạt động, chiếm khoảng 16% thị phần, đây là một con số khiêm tốn so với kỳ vọng. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cho rằng, tiềm năng của thị trường hàng không vẫn rất lớn và một chiến lược kinh doanh hợp lý vẫn tạo cơ hội cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air nói: “Đất nước ta với dân số đông, và ngành du lịch phát triển, vì vậy vẫn rất nhiều tiềm năng. Bản thân doanh nghiệp vẫn bảo đảm được kế hoạch”.
Sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân với mô hình hiện đại, tiết giảm chi phí từ đó giảm giá thành đang là xu hướng của nhiều nước trong khu vực và cũng được người tiêu dùng rất chờ đợi. Nhưng với những gì đang diễn ra, có vẻ như bài toán này đang rất cần một lời giải. Và với nhiều người dân, việc một lần được đi máy bay vẫn còn là niềm mơ ước.
Quang Huy - Nguyễn Trang
vtv.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét