Cục Hàng không Việt Nam khẳng định việc bán vé máy bay đi Côn Đảo: SGN-VCS-SGN của Công ty Bay dịch vụ hàng không bảo đảm tuân thủ quy định về giá của Nhà nước, không có yếu tố lợi dụng độc quyền làm ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách.
Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc cấp quyền vận chuyển hàng không cho các hãng trên chặng tuyến TP.HCM – Côn Đảo – TP.HCM (SGN-VCS-SGN) được thực hiện bình đẳng dựa trên các điều kiện về hạ tầng Cảng hàng không, sân bay và khả năng khai thác của các hãng hàng không.
Máy bay của VASCO đón khách tại sân bay Cỏ Ống Côn Đảo
Đã có hai hãng hàng không Việt Nam được cấp quyền khai thác thường lệ đối với đường bay SGN-VCS-SGN là VASCO (đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam) và Air Mekong (đã dừng khai thác từ 01/03/2013).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc khai thác các đường bay cụ thể phụ thuộc vào hai yếu tố: việc đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật khai thác (tính năng tàu bay, hạ tầng cảng hàng không) và nhu cầu, kế hoạch của hãng hàng không. Hiện tại, VASCO đang sử dụng tàu bay ATR-72 với các tính năng phù hợp với yêu cầu về khai thác tại Cảng hàng không Côn Đảo; VietJet Air và Jestar Pacific Airlines không có loại tàu bay phù hợp để khai thác các chuyến bay tới Cảng hàng không Côn Đảo.
Liên quan tới, mức giá trần SGN-VCS-SGN (thuộc nhóm đường bay dưới 500km) hiện tại là 1.700.000đ (không bao gồm: thuế giá trị gia tăng, giá phục vụ hành khách), cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không khẳng định là đã được tính toán cụ thể và bảo đảm tính hợp lý trên cơ sở về đặc điểm khai thác đường bay này, đảm bảo tính kinh doanh hiệu quả và đặc điểm kinh doanh của ngành hàng không như: nhiều mức giá vé áp dụng theo lịch bay, hạng đặt chỗ, tính mùa vụ theo tháng trong năm, theo ngày trong tuần, theo chiều bay.
"Ngoài ra, đặc điểm khai thác đi /đến Côn Đảo cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng (không bay đêm), yếu tố thời tiết ( nhiều chuyến bay phải quay lại nhiều do thời tiết), đặc biệt tính mùa vụ theo ngày (ví dụ: vào thứ 6 chặng SGN-VCS thường quá tải, chặng VCS-SGN rất ít khách và ngược lại vào ngày Chủ nhật) cũng làm gia tăng đáng kể chi phí cho hãng hàng không.", ông Cường cho biết.
Theo hồ sơ kê khai giá vận chuyển hàng không nội địa của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (áp dụng từ 03/01/2013) gửi Cục HKVN thì chặng bay SGN-VCS-SGN có các mức giá: 1.450.000đ, 1.200.000đ, 1.000.000đ và 750.000đ (chưa bao gồm: thuế giá trị gia tăng – nộp ngân sách Nhà nước , giá phục vụ hành khách – thu hộ Tổng công ty Cảng HKVN). Tỷ lệ vé theo giá bán trong năm 2013 như sau: 1.450.000đ (65.73%), 1.200.000đ (2,61%), 1.000.000đ (22.87%), 750.000đ (4.15%) và các mức giá giảm, mức giá cho trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (4.65%). Mức giá này hiện vẫn duy trì ngay cả sau khi Air Mekong dừng khai thác SGN-VCS-SGN từ ngày 01/03/2013. Mức giá cao nhất (1.450.000đ) được áp dụng chung cho tất cả các đường bay cùng nhóm (dưới 500km như từ Tp. Hồ Chí Minh tới Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột…)
Như vậy bán vé máy bay đi Côn Đảo: SGN-VCS-SGN của VASCO bảo đảm tuân thủ quy định về giá của Nhà nước, không có yếu tố lợi dụng độc quyền làm ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Trên thực tế mức giá bán cao nhất chỉ vào khoảng 85% mức giá trần theo quy định của Bộ Tài chính.
Trước đó, ông Trần Đình Bá có thư cho rằng, Cục Hàng không Việt Nam bắt tay với Vietnam Airlines nhằm duy trì sự độc quyền vượt qua sự kiểm soát của Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương thay cho Ủy ban vật giá Nhà nước thời bao cấp đối với đường bay này.
Ông Bá cho rằng, giá vé máy bay đi Côn Đảo này đang gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách Nhà nước, thiệt thòi cho người tiêu dùng đặc biệt là người dân vùng đảo và nhân dân cả nước đang đến với biển đảo.
Anh Minh
baodautu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét