Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Không có chuyện "móc túi" dân vì độc quyền

Mới đây, ông Trần Đình Bá có ý kiến cho rằng giá vé máy bay đi Côn Đảo tuyến Tp.HCM – Côn Đảo (SGN-VCS) cao hơn nhiểu đường bay khác khi so sánh cự ly. Và nguyên nhân chính là do Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) độc quyền. Cục Hàng không VN  đã có thông cáo báo chí chính thức trả lời về vấn đề này.

Hiện nay chỉ có Vietnam Airlines sử dụng ATR72 là loại máy bay phù hợp để bay đến Côn Đảo
Hiện nay, chỉ có Vietnam Airlines sử dụng ATR72 để bay đến Côn Đảo

Tự do cạnh tranh 
 
Theo Cục Hàng không VN (HKVN), thực hiện Luật Hàng không dân dụng năm 2006, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện chính sách tự do cạnh tranh trong vận tải hàng không. Chính sách này đã tạo điều kiện bình đẳng cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc tiếp cận, gia nhập thị trường, dần nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không, góp phần để hành khách có cơ hội mua vé máy bay với giá cạnh tranh. 
 
Việc cấp quyền vận chuyển hàng không cho các hãng được thực hiện bình đẳng dựa trên các điều kiện về hạ tầng cảng hàng không (CHK), sân bay và khả năng khai thác của các hãng hàng không. Đã có hai hãng hàng không Việt Nam được cấp quyền khai thác thường lệ đối với đường bay SGN-VCS-SGN là VASCO (đơn vị thành viên của Vietnam Airlines và Air Mekong (đã dừng khai thác từ 1/3/2013).
 
Việc khai thác các đường bay cụ thể phụ thuộc vào hai yếu tố: việc đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật khai thác (tính năng tàu bay, hạ tầng cảng hàng không) và nhu cầu, kế hoạch của hãng hàng không. Hiện tại, VASCO đang sử dụng tàu bay ATR-72 với các tính năng phù hợp với yêu cầu về khai thác tại CHK Côn Đảo; VietJet Air và Jestar Pacific Airlines không có loại tàu bay phù hợp để khai thác các chuyến bay tới CHK Côn Đảo.
 
Giá vé dưới mức giá trần quy định
 
Về vấn đề giá vé máy bay,  Cục Hàng không VN cho biết, cơ chế quản lý giá vận chuyển hàng không nội địa được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 103/2008/TTLT-BTC-BGTVT ngày 12/11/2008 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT. Bộ Tài chính quy định mức trần khung giá cước vận chuyển hàng không nội địa theo đơn giá cước đồng/hành khách.km (đ/hk.km). Do tính chất đặc thù của ngành vận tải, vận chuyển càng xa thì đơn giá cước đ/hk.km càng giảm. Từ năm 2012, để đảm bảo mức trần ở các cự ly trên 500 km không biến động nhiều so với giá cước theo cự ly hiện hành, Bộ Tài chính đã quy định mức trần khung giá cự ly dưới 500km là 5.000đ/hk.km, từ 501 km trở lên là 3.000đ/hk.km (chưa bao gồm VAT). 
 
Việc quy định khung giá đối với các nhóm đường bay khác nhau đã được các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính và Bộ GTVT thẩm định cụ thể trên cơ sở chi phí hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ, tình hình cung cầu, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và phù hợp với mức giá trung bình của cùng loại dịch vụ trong Khu vực ASEAN. Căn cứ khung giá, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện việc kê khai giá; tự quy định giá theo chi phí thực tế và có lợi nhuận; chủ động xây dựng và thực hiện các phương án kinh doanh ngắn, trung và dài hạn; thực hiện đa dạng hóa giá vé theo chất lượng dịch vụ trên tất cả các đường bay nội địa; chủ động “phản ứng giá” với sự biến động của các yếu tố chi phí đầu vào một cách hợp lý, bù đắp được chi phí, tăng doanh thu, tránh thua lỗ. 
 
Như vậy, giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông hàng không tại Việt Nam đã được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh về giá, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và tạo điều kiện cho các hãng hàng không tổ chức và mở rộng khai thác cả các đường bay ngắn (trước đây là đường bay thường xuyên bị thua lỗ và chủ yếu bay phục vụ mục đích chính trị - xã hội).
Giá vé máy bay tuyến Tp.HCM-Côn Đảo-Tp.HCM vẫn ở dưới mức giá trần theo quy định của Bộ Tài chính
Giá vé máy bay đi Côn Đảo tuyến Tp.HCM-Côn Đảo-Tp.HCM vẫn ở dưới mức giá trần theo quy định của Bộ Tài chính
Mức giá trần SGN-VCS-SGN (thuộc nhóm đường bay dưới 500km) hiện tại là 1,7 triệu đồng (không bao gồm VAT, giá phục vụ hành khách) đã được tính toán cụ thể và bảo đảm tính hợp lý trên cơ sở về đặc điểm khai thác đường bay này, đảm bảo tính kinh doanh hiệu quả và đặc điểm kinh doanh của ngành hàng không như: nhiều mức giá vé áp dụng theo lịch bay, hạng đặt chỗ, tính mùa vụ theo tháng trong năm, theo ngày trong tuần, theo chiều bay. 
 
Ngoài ra, đặc điểm khai thác đi/đến Côn Đảo cũng gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng (không bay đêm), yếu tố thời tiết ( nhiều chuyến bay phải quay lại nhiều do thời tiết), đặc biệt tính mùa vụ theo ngày (Ví dụ, vào thứ 6 chặng SGN-VCS thường quá tải, chặng VCS-SGN rất ít khách và ngược lại vào ngày chủ nhật) cũng làm gia tăng đáng kể chi phí cho hãng hàng không.
 
Theo hồ sơ kê khai giá vận chuyển hàng không nội địa của Vietnam Airlines (áp dụng từ 3/1/2013) gửi Cục HKVN thì chặng bay SGN-VCS-SGN có các mức giá: 1,450 triệu đồng, 1,2 triệu đồng, 1 triệu đồng và 750 nghìn đồng (chưa bao gồm VAT, giá phục vụ hành khách). 
 
Trong năm 2013, tỷ lệ vé theo giá bán như sau: 1,450 triệu đồng (65,73%), 1,2 triệu đồng (2,61%), 1 triệu đồng (22,87%), 750 nghìn đồng (4,15%) và các mức giá giảm, mức giá cho trẻ em và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi (4,65%). Mức giá này hiện vẫn duy trì ngay cả sau khi Air Mekong dừng khai thác SGN-VCS-SGN từ ngày 1/3/2013. Mức giá cao nhất (1,450 triệu đồng) được áp dụng chung cho tất cả các đường bay cùng nhóm (dưới 500km như từ Tp. Hồ Chí Minh tới Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột…).
 
Vì vậy, Cục HKVN khẳng định, giá vé máy bay đi Côn Đảo chặng SGN-VCS-SGN của VASCO bảo đảm tuân thủ quy định về giá của Nhà nước, không có yếu tố lợi dụng độc quyền làm ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách. Trên thực tế mức giá bán cao nhất chỉ vào khoảng 85%  mức giá trần theo quy định của Bộ Tài chính.

Thu Phương
giaothongvantai.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét