Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Panama, Haiti, một lần đến…

Lần đầu tiên tôi có chuyến xuất ngoại sang châu Mỹ và được Bộ Công Thương tài trợ vé máy bay. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần rất lớn của nhà nước đối với các doanh nghiệp khi thị trường trong nước đang gặp khó khăn về đầu ra.

Tham quan hội chợ ở Panama
CôngThương - Ấn tượng Panama
Dẫn đầu đoàn doanh nghiệp chúng tôi đến Panama là Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Khi xuống sân bay, ấn tượng đầu tiên mà tôi cảm nhận được đó là sự chân thành và nồng ấm của những anh chị ở đại sứ quán Việt Nam. Ngày đầu tiên ở nước bạn, điều khiến tôi bất ngờ ngoài vẻ đẹp tuyệt diệu của mảnh đất này, con người ở đây rất mến khách, đặc biệt họ giàu có, thịnh vượng và phát triển hơn tôi tưởng rất nhiều với mức thu nhập trung bình là khoảng 6.000 USD/năm.
Panama được biết đến là thị trường trọng điểm tại Trung Mỹ và Caribê, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu có kim ngạch đứng thứ ba của Việt Nam tại châu Mỹ Latinh. Vì thế, Panama chính là "cánh cửa" để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh. Trong chuyến đi này đoàn doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham quan Hội chợ Expo tại Thủ đô Panama. Đây sẽ là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại, tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Panama, các nước Trung Mỹ và Caribê. Tại hội chợ này, chúng tôi nhận thấy Panama đúng là đầu mối phân phối hàng hóa đến khắp châu Mỹ. Với lợi thế to lớn có con kênh nổi tiếng, hàng ngày Panama chuyển giao và tiếp nhận hàng triệu tấn hàng, đem lại nguồn thu đáng kể cho đất nước. Ghi nhận ban đầu, tôi thấy các gian hàng tại hội chợ ngập tràn hàng hóa đến từ Costa Rica, Braxin, Mỹ… được trưng bày rất đẹp và cầu kỳ, nhưng thật tiếc lại không có gian hàng nào của người Việt Nam. Tôi đành phát tờ rơi và catalogue giới thiệu công ty, sản phẩm gạch của mình cho mấy công ty xây dựng và kinh doanh bất động sản đang tham gia hội chợ.
Sau khi tham quan hội chợ, chúng tôi được anh Tâm- chủ Công ty Vietpa đón tiếp nồng hậu. Anh Tâm dẫn đoàn đi tham quan khu tự do thương mại phi thuế quan Colon - nơi mà công ty của anh đã “cắm chốt” ở đây 7 năm, điều thú vị ở đây cũng có các sản phẩm gạch của Việt Nam. Qua tìm hiểu được biết, anh đã đưa các sản phẩm này sang đây từ rất sớm. Tôi rất hạnh phúc khi thấy gạch Long Hầu của Việt Nam được dán quảng cáo ở vị trí rất trang trọng của khu thương mại. Vừa đi, anh Tâm vừa chỉ vào các sản phẩm gạch nói với giọng đầy tự hào: “Đây là gạch quê mình nên phải bán chứ”. Trong quãng thời gian ít ỏi tham quan khu Colon, chúng tôi thực sự rất khâm phục những việc anh Tâm đã làm và quan trọng nhất là anh đã xây dựng hình ảnh của Việt Nam rất đẹp, ấn tượng tại mảnh đất này.
Chia tay Panama trong sự lưu luyến, tôi tràn đầy hy vọng về một triển vọng hợp tác trong lĩnh vực gạch men và sơn tường, thâm tâm tự nhủ sau chuyến này về, việc đầu tiên tôi sẽ làm đó là bắt tay ngay vào triển khai kế hoạch hợp tác với các đối tác ở nước này để các hợp đồng sớm được ký kết.
Tôi tự nhủ “trong nguy có cơ”, có lẽ cơ hội thành công mới được bắt đầu từ sự tài trợ vé máy bay của Bộ Công Thương chăng?
Kỳ vọng hợp tác đầu tư Haiti
Tiếp tục cuộc hành trình, điểm đến tiếp theo của đoàn là Haiti. Thật buồn khi tàn dư của trận động đất kinh hoàng mấy năm trước vẫn còn nguyên dấu tích ở đây. Xuống sân bay, giống như tại Panama đoàn chúng tôi cũng được đón tiếp rất trọng thị và nồng hậu. Chứng kiến sự điêu tàn với những con phố bị động đất tàn phá, chúng tôi không khỏi xót xa cho đất nước bạn.
Ngày hôm sau, làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Haiti, chúng tôi được đưa đến một dãy nhà làm việc là những ngôi nhà tạm trông như container, vì trụ sở bộ này đã bị đổ do động đất. Đến nay, đã gần 3 năm nhưng vẫn chưa có kinh phí xây lại.
Xong chương trình làm việc của đoàn, tôi tiếp tục chương trình với khách hàng mà tôi đã liên hệ trước. Cho dẫu là nước nghèo do thiên tai, đảo chính, bất ổn xã hội nhưng những doanh nghiệp lớn ở đây lại làm việc rất chuyên nghiệp, họ kinh doanh đủ thứ và may mắn là gạch men của công ty tôi được họ xem là một ngành kinh doanh chính. Chung tôi trao đổi rất nhanh, hợp đồng được ký kết và tôi ra về với một ấn tượng sâu sắc về đất nước này. Tháng sau, gạch men thương hiệu Mikado sẽ xuất hiện tại Haiti và vị Bộ trưởng tiếp chúng tôi sẽ sang Việt Nam ký các hiệp định thương mại và đầu tư. Chuyến đi này tạo cho chúng tôi kỳ vọng về một cơ hội góp phần tái thiết đất nước.
Phạm Bách Tùng: Tổng giám đốc Công ty CP kỹ thương Thiên Hoàng (Mikado)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét