Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... đều tổ chức những chương trình khuyến mại lớn kết hợp với du lịch, thu hàng tỷ USD. Vậy tại sao Việt Nam - quốc gia có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nhiều sản phẩm chất lượng tốt - lại không tổ chức được mùa khuyến mại kết hợp với du lịch để phát triển kinh tế?
CôngThương - Kinh nghiệm từ nước ngoài
Tại các nước phát triển như Pháp, Italia, Nhật, Singapore, Malaysia, Thái Lan... hàng năm đều có những đợt giảm giá (sale off). Những người có thu nhập trung bình và khách du lịch rất chú trọng đến các mùa giảm giá này với hy vọng mua được nhiều món hàng phù hợp.
Ở Mỹ, sale off thường diễn ra vào mùa Giáng sinh hoặc trước ngày khai trường. Còn ở Nhật, mùa giảm giá diễn ra vào tháng 7, tháng 8 và dịp Tết; ở Paris (Pháp) thường diễn ra vào tháng Giêng và tháng 7... Các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, những tháng hè, dịp cuối năm là thời điểm nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, khu du lịch giảm giá nhiều mặt hàng, với những con số giảm từ 60 - 90% đầy hấp dẫn.
Thông qua các chương trình trong mùa khuyến mại như “Amazing Thailand”, hội chợ “Malaysia Mega Sale Carnival”..., các nước đã thu hút hàng triệu du khách đến từ các nơi trên thế giới, tạo nhiều công ăn việc làm, mang lại cho đất nước hàng trăm triệu USD.
Lợi ích lớn - Tại sao không làm?
Tổ chức mùa khuyến mại kết hợp với du lịch có nhiều cái lợi cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Nhà sản xuất, công ty thương mại giải quyết được số lượng lớn hàng tồn kho, tiêu thụ nhiều sản phẩm không còn phù hợp với xu hướng mới; người tiêu dùng, khách du lịch được mua hàng giảm giá. Quan trọng hơn, mùa khuyến mại thu hút được số lượng lớn khách du lịch từ các nơi trên thế giới và các dịch vụ: Vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử... cũng phát triển theo.
Ở Việt Nam, từ năm 2009, Bộ Chính trị đã có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT- TTg về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động này. Trên thực tế đã có nhiều chương trình, hội chợ khuyến mại diễn ra ở khắp nơi, nhưng để tổ chức quy mô lớn thì mới chỉ có Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh làm được bước đầu. Tuy nhiên, các chương trình này vẫn sử dụng một phần kinh phí của nhà nước và số lượng doanh nghiệp tham gia hạn chế, chưa có sức thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Với khách du lịch thì không gì thú vị hơn việc vừa được đi du lịch, vừa mua sắm, nhất là những món hàng hóa mà bình thường phải cân nhắc theo túi tiền. Thực tế cho thấy, hàng năm đã có hàng trăm nghìn người Việt đổ xô đi du lịch nước ngoài để mua sắm hàng hóa vào những mùa khuyến mại.
Để có những mùa khuyến mại gắn với du lịch thực sự có hiệu quả cao, cần một đề án tổng thể mang tính chiến lược quốc gia và một cơ quan chỉ đạo, có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... và có cơ chế thích hợp khuyến khích các doanh nghiệp và cả cộng đồng tham gia.
Để kích cầu tiêu dùng, nhiều đợt khuyến mại trong năm đã được tổ chức thông qua các hội chợ, tháng khuyến mại... Bên cạnh đó, nhiều siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ cũng có các chương trình giảm giá riêng. Nhưng hiệu quả khuyến mại còn khiêm tốn.
|
Đỗ Đình Dũng
baocongthuong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét