Phi hành đoàn, nhân viên mặt đất bị hành khách tấn công, cửa thoát hiểm bị mở thường xuyên, hành khách xông vào đường băng... là tình cảnh hiện tại của hàng không Trung Quốc. Những hành khách khó tính sẵn sàng áp dụng "biện pháp rắn" để chống lại tình trạng hoãn, hủy hay chậm chuyến bay.
Tầng lớp trung lưu ngày càng đông ở đất nước rộng lớn này khiến nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng nhanh chóng. Các hãng hàng không tìm mọi cách xoay xở để các chuyến bay đúng thời gian, còn hành khách vẫn "phát điên" vì sự chậm trễ của những chuyến bay.
Gây rối do chậm bay
Wang Zhenghua - người sáng lập và quản lý tài chính hãng Spring Airlines có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Khi các chuyến bay bị chậm, hành khách thường gây rất nhiều rắc rối. Đôi khi họ còn hành hung cả nhân viên của chúng tôi”.
Hành khách bị chậm chuyến mệt mỏi đợi chờ tại một sân bay ở Trung Quốc. |
Năm 2012, khoảng 20 hành khách trong cơn giận dữ sau khi chờ 16 tiếng đồng hồ đã lao vào đường băng tại sân bay quốc tế Thượng Hải. Tháng 7/2012, một chuyến bay của United Airlines cũng mắc kẹt cùng hành khách ở Thượng Hải 3 ngày do chậm chuyến vì lí do kĩ thuật. Vào ngày thứ 3, các hành khách giận dữ thất vọng đã chửi mắng nhân viên hàng không và gây náo loạn sân bay. Tháng 10/2012, một cơ trưởng người Australia và phi hành đoàn đã bị bao vây bởi một nhóm hành khách tức giận sau khi chuyến bay của Jetstar từ Melbourne phải chuyển hướng tới sân bay Thượng Hải do thời tiết xấu...
Cách đây 30 năm ở Trung Quốc, máy bay chỉ dành cho các quan chức chính phủ và nhân viên cấp cao của các công ty lớn. Muốn mua ve may bay, người ta phải xuất trình quyết định có xác nhận của cơ quan công tác. Ngày nay, trong khi phần lớn người Trung Quốc vẫn đi tàu hỏa vì chi phí hợp lý thì việc thu nhập bình quân của người dân tăng lên cộng với sự xuất hiện của các chuyến bay giá rẻ khiến ngày càng có nhiều người chọn đi máy bay. Năm 2011, các tuyến bay nội địa của Trung Quốc vận chuyển hơn 270 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2010 và 70% so với năm 2003. Theo dự báo, năm 2014, số hành khách sẽ đạt 379 triệu lượt.
Chưa giải quyết được
Ngoài những nguyên nhân khách quan thì những hành vi quá khích của hành khách một phần là do các hãng chuyên chở. Hành khách Trung Quốc thường không quen phải chờ đợi hàng giờ trong máy bay hay ở cảng hàng không mà không biết khi nào máy bay cất cánh. Li Yuliang - một chuyên gia hàng không dân sự cho biết: “Người Trung Quốc cho rằng, đi máy bay là dịch vụ cao cấp nên họ thực sự thất vọng khi chuyến bay bị chậm”. Theo Cục Hàng không dân sự Trung Quốc, năm 2011, 1/4 trong tổng số 2,4 triệu chuyến bay nội địa đã bị chậm. Các nhà sản xuất dự báo trong vòng hai thập kỉ tới, mỗi ngày, bầu trời Trung Quốc sẽ có thêm một chiếc máy bay mới và sự tắc nghẽn sẽ ngày càng trầm trọng.
Để giải quyết sự chậm trễ, các hãng hàng không đã phải mua thêm máy bay. Boeing dự đoán 20 năm tới, Trung Quốc sẽ mua thêm khoảng 5.260 chiếc với chi phí lên tới 670 tỷ USD. Tuy nhiên, không phận Trung Quốc không hề chật chội nhưng các đường bay dân dụng thì bị hạn chế nên việc chậm chuyến sẽ chưa giải quyết được. Các chuyên gia giao thông hàng không và phi công đều cho rằng, chỉ có khoảng 20% không phận nước này được dành cho máy bay dân sự. Jeff Zhang - một phi công đang làm việc cho một hãng hàng không lớn Trung Quốc nhận xét: “Không phận dành cho hàng không dân sự quá nhỏ. Nó giống như một đường cao tốc 8 làn nhưng chỉ có 2 làn được phép lưu thông”.
Minh Khôi (Theo NYT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét