Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Kể lại câu chuyện Du lịch Hàn Quốc cuối Thu (phần 2: Tất tật về phương tiện di chuyển và thông tin liên lạc)

"Tất tật" dĩ nhiên chỉ là tất cả những gì tôi đã biết 

Giờ Hàn quốc so với Việt Nam sớm hơn 2 tiếng. Khi đến nơi, bạn nhớ chuyển giờ đồng hồ/điện thoại để tránh nhầm lẫn, dễ gây những rắc rối không đang có như trễ tàu, trễ xe, trễ hẹn...

1. Phương tiện liên lạc
ĐTDĐ và mạng wireless ở Hàn rất phát triển nên có vô số lựa chọn cho bạn để duy trì kết nối với mọi người. Lúc đầu chúng tôi cũng định thuê điện thoại hoặc máy phát wifi cầm tay (rất nhỏ xinh và tiện dụng) ở sân bay để thuận tiện cho việc liên lạc và onl tìm đường nếu cần. Tuy nhiên, sau khi tham khảo thấy giá thuê và phí sử dụng khá chát, hai đứa quyết định cắt khoản này, chỉ liên lạc và onl khi ở khách sạn.

Lưu ý: Cả bốn sân bay Incheon, Gimpo, Jeju, Busan đều có điện thoại và máy phát wife cầm tay (Egg) cho bạn thuê nhé.

Nếu vẫn có nhu cầu liên lạc liên tục, bạn có thể lấy thông tin chi tiết ở http://www.visitkorea.or.kr/intro.html

Trang web này như một "bách khoa toàn thư" về du lich Han Quoc, rất nhiều và đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, hãy chú ý check lại thông tin về giá cả ở các trang web cụ thể (visitkorea có dẫn link) vì trang không cập nhật kịp (vd như vé bus 600 từ sân bay Jeju đi Seogwipo-si đã tăng lên 5.000won/người/1 chiều thay vì 3.800won). Tôi sẽ cố gắng đưa thông tin về giá đối với tất cả các loại dịch vụ công cộng mà mình đã sử dụng để mọi người tham khảo.


Vì không có điện thoại di động nên việc hẹn hò của chúng tôi buộc phải rất chính xác về thời gian và địa điểm, không thể đến trễ, nghiên cứu kỹ trước khi đi và luôn mang bản đồ theo mình để hạn chế lạc đường đến mức tối đa.


2. Bản đồ và "lợi ích" của Korea Tourism Organization - KTO

Không giống như TQ, Hàn quốc tuy cũng rất ít người biết tiếng Anh (kể cả người trẻ) nhưng bản đồ bằng tiếng Anh có thể tìm thấy ở khắp các điểm tham quan, trung tâm thông tin du lịch rải trong thành phố (nhất là khu trung tâm), ga subway lớn và ở cả những "khách điếm" nhỏ chứ không chỉ Ga đến quốc tế ở sân bay mới có.

Riêng bản đồ thành phố đã có rất nhiều loại khác nhau nhưng cá nhân tôi thấy bản đồ (cả Seoul và Jeju) lấy ở trụ sở KTO (chủ trang web VisitKorea) bên suối Cheonggyecheon (Seoul) và khu Jungmun (Jeju) là chi tiết và dễ xem, dễ tìm đường nhất. Bản đồ này cũng rất dễ hỏi đường vì bên dưới tên địa danh bằng tiếng Anh luôn có tên tiếng Hàn (các bạn Hàn rất nhiệt tình chỉ đường nhưng nhiều bạn đọc tên địa danh bằng tiếng Anh thì chả hiểu đấy là đâu mà chỉ cả).

Địa chỉ và cách tìm KTO được đăng trên website. Tuy nhiên, cách đi dễ nhất là từ đầu suối (chỗ đài phun nước có cây xoắn ốc
http://www.flickr.com/photos/westinhotels/5287534655/) đi xuôi xuống theo bờ bên phải -> đến cây cầu bắc qua suối to thứ hai (cầu có đường ô tô chạy) sẽ nhìn thấy logo của KTO ở bên cạnh cửa trước tầng 1, Trung tâm nằm ở tầng hầm B1 của tòa nhà (cầu thang lộ thiên ngay trước sân). Hoặc đi từ Exit 3 ga Jonggak (Line 1) đi dọc theo phố về phía suối, băng qua suối xong sẽ thấy logo KTO chếch bên tay trái.

Sở dĩ tôi quan tâm và ghé qua KTO không chỉ một lần vì ngoài bản đồ, ở đây còn có hoạt động free-try hanbok rất dễ thương... Chuyện này tôi sẽ kể cụ thể trong một phần khác.

Quên mất, xin bổ sung là hai đứa tôi, một có thể dùng tiếng Anh, một chỉ thích xài tiếng Việt và cả hai đều một chữ tiếng Hàn bẻ đôi không biết (trừ nghe và bi bô được mấy từ thông dụng kiểu anh trai em gái, xin chào cảm ơn và anh yêu em nghe nhàm tai qua các Drama Korea phát trên vô tuyến). Chúng tôi cũng có "cơ sở nằm vùng" là cô bạn đang học và đã sống ở Seoul nhiều năm nhưng nàng còn bận tích lũy kiến thức và của cải nên chỉ có thể dùng để mặc cả khi shopping mỗi buổi tối, còn lại thì chúng tôi đều phải tự túc hết, nhất là khi ở Jeju. Vì vậy, khi ở nhà tôi tranh thủ thời gian tìm hiểu điểm đến mọi lúc có thể, lên lịch trình thật chi tiết, xem đi xem lại google maps đến nỗi thuộc lòng để cố gắng giảm thiểu mọi rủi ro không đáng có và khi sang đến nơi, bản đồ là vật bất ly thân.

Tip: Khi đi Tour Han Quoc. Hãy luôn lấy cả 2 version Anh và Hàn cho cùng một loại bản đồ (giống hệt nhau) ngay cả khi nửa chữ tiếng Hàn bẻ đôi không biết. Như đã nói ở trên, nhiều bạn Hàn đọc bản đồ tiếng Anh không hiểu tên địa danh phiên âm, nên tốt nhất là xem bản đồ tiếng Anh rồi chiếu tương ứng sang bản tiếng Hàn và show ra để hỏi đường/mua vé bus... Cách này đã được chứng minh là rất hữu dụng và trong một số trường hợp là cách duy nhất ở Jeju-do để lên được đúng xe bus và xuống được đúng nơi muốn đến nếu không nói được tiếng Hàn.


3. Phương tiện di chuyển công cộng ở Seoul

Đừng quá lo xa khi đi Du lich Han Quoc, Seoul có hệ thống Subway và bus dày đặc.

Cách di chuyển giữa Incheon và Seoul tôi đã đưa ở bài trên.

AREX đi Gimpo (cũng chính là Commuter train đi Incheon) hết ~ 2.500 won và chỉ mất 35 phút; subway (Line 5) sẽ rẻ hơn nhưng lâu hơn khá nhiều.

Hệ thống subway ở Seoul rất dày và thuận tiện, đa phần các line chạy ngang và đều giao cắt với Line 3 - màu cam là line chạy dọc thành phố.
Bản đồ subway luôn được in kèm trong bản đồ thành phố.
Mỗi ga đều có trung bình 6 - 8 exit nên cần chú ý chọn đúng cửa ra vì khoảng cách giữa các cửa đôi khi nhiều hơn vài chục mét.

Giá mỗi chặng Subway trong nội đô là 1.050won (chỉ tính điểm đầu và cuối, không tính đổi bao nhiêu Line).


Về bus, tôi chỉ dùng bus khi có "dân nằm vùng" đưa đi nên không rành. Thông tin trên mạng cũng là những kiến thức rất chung, khó xem đường đi và chi tiết số xe vì quá nhiều nên hơi khó dùng.

Chủ yếu chúng tôi dùng subway.
4. Phương tiện di chuyển ở Jeju

Jeju không làm subway 

Đảo khá rộng (50km chiều dọc và hơn 70km chiều ngang), hai thành phố là Jeju-si và Seogwipo-si nằm ở hai mạn Bắc - Nam cách xa nhau nhau đúng bằng chiều ngang của đảo nhưng đường đi xa hơn vì phải né bạn Hallasan nằm án ngay chính giữa.

Các điểm tham quan thì rải quanh bờ biển và khắp các nơi trên đảo. Trừ cụm thác, đá, cảng, cầu ở ngay Seogwipo-si thì chỗ nào cũng cách nhau hàng ki-lô-mếch

Có hai loại phương tiện di chuyển chính ở Jeju là bus (công cộng) và thuê xe (private). Du lịch tiết kiệm nên taxi "mời xê ra".

Bus: Hệ thống bus của Jeju chia làm 2 loại, trong nội đô hai thành phố và chạy liên vùng (khắp đảo).

Ở Jeju-si một đêm nên chúng tôi cũng có dịp thử tìm hiểu một chặng bus nội đô ở đây, từ Jeju bus terminal (Bến chính như kiểu Mỹ Đình, Long Biên nhà ta) về khách sạn T.H.E Hotel & Vegas Casino, một khách sạn lớn (một trong các bến của Bus sân bay số 600), rất gần December Hotel và dự định sẽ đi bộ về. Tuy nhiên, cô bán vé ở bến nói không biết xe số nào qua đó và các bác tài thì hoàn toàn không biết một chút tiếng Anh và hoàn toàn không hiểu khi tôi đọc tên khách sạn bằng Vietlish (dù với thứ tiếng này tôi đã từng đi châu Âu, châu Á ngon lành) nên kết quả là sau 20' thử mọi xe ghé bến với cả nói và bản đồ có tên k/sạn, chúng tôi đành bắt taxi (cũng với cái bản đồ trên).

Các điểm tham quan thuộc Seogwipo-si đều trong tầm chân đi nên chúng tôi toàn đi bộ. Đối với những điểm ở xa thì Local bus terminal thẳng tiến. Từ Hotel Little France tới Seogwipo Local bus Terminal cũng chỉ cần đi một đường thẳng tưng (lên dốc) 10 phút là tới (đấy là bằng tốc độ đi của chúng tôi chứ bạn lễ tân khách sạn nói bạn ấy đi chỉ mất hơn 5 phút thôi)

Bus liên vùng ở Jeju chạy trên các tuyến đường chính cần quan tâm là:

- Limo airport bus No.600: Tuyến Sân bay Jeju - Jungmun (khu resort và khách sạn 5*) - Seogwipo-si. Bạn có thể dùng bus này để đi Seogwipo (các điểm tham quan Cheonjiyeon Falls, Jeongbang Fall, Oedolgae Rock, Seogwipo port: Saeyeon bridge – Saesom, Olle 6, Olle 7), Yakcheonsa Temple (bus-stop bus No.600 ngay cạnh cổng) và Jungmun (Jungmun beach, Teddy Bear Museum, Jusangjeolli Cliff, Cheonjeyeon Falls, Yeomiji Botanical Garden, Ripley's Believe It or Not! Museum, KTO chi nhánh Jeju).

- Tuyến Bờ biển phía Đông và tuyến Bờ biển phía Tây chạy theo đường cao tốc 1112 (hay Road no.12) từ Jeju-si đến Seogwipo-si

- Tuyến Jeju - Seogwipo ngang qua chân Hallasan Road No.99 (Eorimok Trail (Northwest) và Yeongsil Trail (Southwest)) và Road No.11 hay 1131 (còn gọi là Road 5.16) nổi tiếng với đường hầm cây hút mắt.

Đi chơi ở Jeju bằng "xe công" đều chỉ cần các tuyến bus này.

Nhận xét :
Ưu điểm:
+ giá rẻ (từ Jeju đến Seogwipo, bus 600 là 5.000won, các loại bus khác là 3.000won và giảm xuống 2.000 hoặc 1.000won tuỳ khoảng cách.
+ yên tâm không sợ lạc, cứ ngồi trên xe thì kiểu gì nó cũng tới Bus terminal ở một trong hai nơi, Jeju-si hoặc Seogwipo-si, thôi.
+ các bác tài rất quen với khách du lich Han Quoc nên cực kỳ kiên nhẫn, chỉ cần chìa bản đồ nói điểm cần đến (tiếng Anh hay tiếng Hàn đều ukie) và yên tâm ngắm cảnh (hoặc ngủ gật), khi nào đến nơi bác sẽ khắc nhớ gọi mình xuống.
+ bus to, rộng rãi, sạch sẽ, có máy sưởi -> rất ấm áp, khô ráo và an toàn khi trời mưa, gió lạnh và đêm tối buông xuống.
+ giờ hoạt động từ 6g đến 21g, tần suất khoảng 30phút/một chuyến.
+ mật độ bus-stop tương đối dày -> tha hồ nhảy xuống chụp choẹt nếu thấy cảnh đẹp bên đường rồi lại bắt bus khác đi tiếp mà không phải đi bộ quá xa

Nhược điểm:
- Trừ bus sân bay số 600, còn lại tất cả đều chỉ có tên bằng tiếng Hàn chứ không có số T_T
- Chạy nhanh nhưng vẫn mất nhiều thời gian di chuyển do nhiều điểm dừng đỗ (trừ bus 600)
- Bus-stop nhiều nhưng đa số theo đường lớn và khu dân cư, thường cách các điểm tham quan từ 1,2 - 2km -> cuốc bộ khá xa
- Ở sân bay (và khắp các Tourist information trên đảo) đều chỉ có lịch trình bus từ Jeju-si... trong khi mình ở Seogwipo-si mới khổ 

Tips:
Seogwipo local bus Terminal là bến xe chính cũng có đủ tuyến bus y chang Jeju Bus Terminal, có khác chăng là cửa bán vé nhỏ hơn và bác trai già ở đó không biết nói tiếng Anh. Tuy nhiên bác cực kỳ chu đáo. Chỉ cần bạn mang theo một bản đồ tiếng Anh có tên địa danh tiếng Hàn (lấy ở KTO Jungmun) hoặc mang bản đồ tiếng Hàn show ra thì bác không chỉ bán đủ vé mà sẽ chỉ cho bạn đúng bus để lên.

Thuê xe riêng:

Ở Jeju, bạn có thể thuê ô tô tự lái từ sân bay hoặc xe máy (tay ga và tay côn) ở cả Jeju-si và Seogwipo.

Với xe máy, bạn có thể tham khảo chi tiết ở đây: http://jejubike.co.kr/eng/rental/us.html
Ở Seogwipo-si cũng có một cửa hàng cho thuê xe khá gần Little France hotel (hỏi khách sạn để được chỉ đường) nhưng chúng tôi không dùng nên không biết cụ thể ntn.

Ô tô tự lái được cho thuê và trả ngay ở sân bay nên rất tiện (và giá cả cũng hợp lý thôi) nếu nhóm bạn có từ 4-5 thành viên.
Chi tiết tham khảo tại: http://www.airport.co.kr/doc/jeju_eng/info/RE030102.jsp

Nhận xét:
Đi xe riêng tất nhiên có ưu điểm là thoải mái, cơ động. Ngoài Olle (dành cho dân đi bộ), Jeju có hệ thống Ilju - đường nhựa chạy sát bờ biển (Bus không chạy đường này), đường rất đẹp và khung cảnh thì cực kỳ rồ-man-tịc. Trên các trang web giới thiệu du lịch Jeju, bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy những Ilju đẹp (theo từng mùa) được mọi người recommend (ảnh đẹp mê ly).
Mùa hè chạy xe máy sẽ rất thích nhưng trời xuân hoặc thu thì theo ý mình (một tên say ô tô), thuê ô tô riêng là lựa chọn tốt hơn rất nhiều vì:
- Khô ráo ấm áp (nhất là khi Jeju ở biển, nhiều gió nên rất hay có n hững cơn mưa bất chợt)
- Rộng rãi thoải mái, có khoang chứa đồ để chạy thẳng từ sân bay đi chơi hoặc đi chơi rồi ra sân bay luôn.
- Đặc biệt là an toàn hơn vì đường ở Jeju toàn ô tô chạy tốc độ cao và khi trời tối không có đèn đường.

Ban đầu hai đứa mình cũng chuẩn bị tiền thuê xe máy (vì chỉ có hai đứa và không có bằng ô tô quốc tế) nhưng đến nơi xem thời tiết là đổi ý đi bus luôn. Chuyện này cũng làm phát sinh nhiều trải nghiệm rất thú vị, khi viết đến đoạn ở Jeju tôi sẽ kể chi tiết sau

Ngày 1 (end): Insadong - bữa tối đầu tiên và cà phê Samcheongdong

Check in lúc 7g tối. "Chuối khách điếm" rất dễ tìm, đi bộ kéo đồ cả thảy chưa đến 10p từ lối lên tàu điện ngầm và phòng ở thực sự đúng như trong hình đăng trên agoda. Còn hơn tiếng nữa mới đến giờ hẹn với cô bạn đang học ở Hàn. Gọi điện không thấy bắt máy, hai chúng tôi đành nhận phòng, cất đồ, để lại tin nhắn trên face và lượn ngay ra Insadong tìm bữa tối.

Từ Chuối ra Insadong rất gần, chỉ cần đi ra đầu ngõ hướng ga Anguk, băng qua con đường lớn ban nãy sang lề bên kia (có lối sang đường ngay bên trái), rẽ trái, đi hai chục bước chân thì thấy một ngõ rẽ phải còn to hơn ngõ nhà Chuối... chính là Insadong-10gil, cứ thế đi thẳng một chút xíu, ngang qua một club-hanok sành điệu là tới ngay giữa Insadong (bên phải, cách 3m là cửa vào Ssamziegil).

Chuyến đi lần này là một chuỗi may mắn về đường ăn uống :)

Chọn một hàng nhỏ trong một ngõ cũng nhỏ của Insadong, chúng tôi gọi hai món truyền thống thuộc nhóm rẻ trong thực đơn: Bibimbap (7.000) và canh thịt bò nấu tương ngọt (6.000won)
Bữa ăn đầu tiên trên đất Hàn.
Khác với cảnh báo của nhiều người là đồ ăn Hàn nhạt và cay (làm bạn tôi mang sẵn một chai nước mắm nhỏ và mấy quả chanh "phòng thân"), hai món chúng tôi gọi rất vừa miệng và đầy đặn. Canh thịt bò ngọt đậm vị tương, có nấm và miến dai dai, thịt bò mềm và nhiều, vớt mãi không hết. Phần ăn ngoài panchan 6 món (các loại kim chi) còn có một bát cơm dẻo nóng ấm, lấm tấm một vài hạt đậu xanh nho nhỏ. Rất ngon và vừa miệng.
Quán ăn có khu ngồi bàn và ngồi bệt. Khu bệt có sưởi sàn ấm áp. Phục vụ quán là 3 bác trai trung niên. Quán không nhỏ nhưng ấm cúng, cực kỳ sạch sẽ và lên món rất nhanh.
Insadong


Bánh rán nhân đậu đỏ truyền thống ở Insadong (1.000won/cái; nếu mua ở đầu ngõ chỗ ở thì chỉ 500won thôi :D) Ban đầu người ta nặn cái bánh tròn vo thả vào khay dầu nóng, sau đó lúc bánh phồng lên thì dùng miếng sắt tròn ấn cho bẹt xuống. Mùi bánh thơm nức mũi cả một góc phố, khá ngon nhưng nhân hơi ngọt.
"Phát hiện" ở Insadong
Không có phương tiện liên lạc nên sau khi ăn tối xong, hai đứa lục tục quay về "Chuối" lúc 8g20'. Chàng lễ tân thông báo là cô bạn đã đến, ngồi chờ tầm 20' và vừa ra cửa...

"Nó vừa đi xong ấy. Tụi mày không nhìn thấy nhau sao?"

*mếu*

Nhờ máy k/s gọi vào di động của cô bé. Gọi, nàng không bắt máy. Redial, máy bận.*mếu tiếp* *sắp khóc rồi* Chàng chủ nhà cũng phải thốt lên "Such a dramatic"

"Hay là mày chờ một tý đi, biết đâu máy nó bận vì gọi lại cho mình"

Rèng rèng.... đúng là cô bé gọi lại thật. Ô kê la... lại lao ra cửa thôi. Gặp nhau mừng mừng tủi tủi

Hóa ra trong lúc chúng tôi đi về từ ngõ Insadong-10gil (bắt ra đoạn giữa Insadong) thì nàng đi tìm vòng từ đầu Insadong xuống.

Tha thiết trao nhau gói quà to uỵch (với gần trăm quả chanh tươi mọng nước thơm lừng) do mẹ nàng gửi sang, nàng dắt hai đứa tôi đi Samcheong-dong ngắm quán, uống trà.


Samcheong-dong được gọi là phố cafe với đủ loại quán to nhỏ lớn bé, đủ loại mức giá khác nhau, nhưng quán nào cũng đều rất xinh xắn và xì-tai.

Ngoài cửa các quán thường có biển/bảng nhỏ đề "menu tủ" của quán hôm ấy. Bước qua cửa là khung cảnh ấm cúng và có thể có ngày một chồng chăn để bạn ngồi ôm cho thêm phần ấm áp.

Chúng tôi tranh thủ nếm món Waffle nổi tiếng, đang mốt trong giới trẻ Hàn tựa trà chanh, phô-mai que ở ta.
Cafe ở Hàn quả thật không rẻ. Đĩa waffle bên trên (rất ngon, bánh giòn, hoa quả ngọt và kem béo ngậy) có giá 13.000won, đồ uống thì đều tầm 5 - 7.000won/ly :( Cơ mà quán đẹp, ấm cúng và đồ uống ngon.

Lâm ly chia tay ở ga Anguk, hẹn gặp lại vào... 2g chiều mai.

Ngày đầu tiên của chúng tôi kết thúc lúc 11g trong chăn ấm nệm êm, no say và điều hòa ấm đến toát mồ hôi.

See you ngày 2
daugaunhoibo
PHUOT.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét